Chỉ vì cái ranh rừng mà hàng chục năm qua ông Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) lâm vào cảnh khốn khó. Dù bản thân bị bệnh tật nhưng vẫn “đội” đơn khiếu nại khắp nơi…

Cà Mau: Một gia đình lao đao vì cái ranh rừng

Việt Tâm | 14/12/2018, 06:22

Chỉ vì cái ranh rừng mà hàng chục năm qua ông Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) lâm vào cảnh khốn khó. Dù bản thân bị bệnh tật nhưng vẫn “đội” đơn khiếu nại khắp nơi…

Lao đao vì cái ranh rừng

Tiếp xúc với PV báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, hàng chục năm qua, ông như người mất hồn vì cái ranh rừng phòng hộ. Dù có thành tích trong cách mạng (Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì - PV), bản thân bị nhiễm chất độc da cam, bị ung thư đại tràng nhưng ông vẫn “đội” đơn khiếu nại khắp nơi…

Ông Tuyền cho biết, năm 1992, ông có sang nhượng lại một phần đất của ông Trần Văn Thới tại thửa 1889, khoảnh 84, tiểu khu 85 với diện tích 172.116m2 thuộc Lâm ngư trường Đất Mũi II (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi). Việc chuyển nhượng trên được Ban giám đốc Lâm ngư trường Đất Mũi II lúc bấy giờ xác nhận. Đồng thời chính quyền ấp, UBNĐ xã Đất Mũi cũng đồng ý ký đơn chấp thuận.

Từ khi nhận chuyển nhượng, ông Tuyền sử dụng ổn định không tranh chấp, đóng đầy đủ thuế, quỹ cho Nhà nước và địa phương. Quá trình sử dụng, ông Tuyền cũng đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc vào mảnh đất này, kể cả tiền chính sách 30 năm công tác, nhằm cải tạo vuông tôm với mong muốn đem lại cuộc sống ấm no, ổn định lâu dài cho bản thân và gia đình.

Đến năm 2007, ông Tuyền thấy hệ thống kênh vuông tôm bị bồi lắng, xổ không có tôm nên xin Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi đưa cơ giới vào cải tạo lại nhưng không được chấp nhận. Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi cho rằng, vuông tôm của ông nằm trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu (nay là rất xung yếu).

Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với ôngNguyễn Thanh Tuyền - Ảnh: Nguyệt Danh

“Thông tin này khiến tôi như “chết đứng” vì từ trước đến nay, vuông tôm của mình nằm ngoài ranh. Việc “tự chuyển” ranh rừng làm gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn, đi chẳng được mà ở cũng không xong, khiếnđời sống kinh tế gia đình khó càng thêm khó”, ông Tuyền chia sẻ.

Ông Tuyền khẳng định, vuông tôm của ông ngoài ranh quy hoạch rừng phòng hộ. Chứng cứ là biển báo 25 cấm phân ranh vẫn còn nguyên hiện trạng, thể hiện vuông tôm của ông nằm ngoài ranh. Do đó, ông đề nghị cấp chính quyền làm rõ việc “bỗng dưng” vuông tôm của ông (thửa đất 1889) vào ranh rừng phòng hộ.

Theo ông Tuyền, phần đất này đã khai phá làm rẫy ổn định từ năm 1960, còn ông sử dụng ổn định từ 1992 đến nay. Chính việc vuông tôm của ông “bỗng dưng” đưa vào ranh rừng phòng hộ làm ông lao đao từ nhiều năm qua.

Cộc mốc cái còn, cái “không thấy”

Thông báo trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau thì thửa đất 1889 của ông Tuyền được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu từ năm 1995 và được phê duyệt vào ngày 3.5.1999. Ranh giới cụ thể được thể hiện tại bản đồ chi tiết tỷ lệ 1/10.000.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, qua kiểm tra thực tế, vị trí biển báo 25 lệch khoảng 70 mét về phía biển so với vị trí trên bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ rất xung yếu. Nguyên nhân biển báo 25 đặt sai vị trí là lỗi của bên thi công. Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau không chấp nhận yêu cầu của ông Tuyền. Đồng thời cũng không cho ông đưa cơ giới vào cải tạo lại vuông tôm.

Huy chương Kháng chiến Hạng nhì của ông Tuyền - Ảnh: Nguyệt Danh

Căn cứ vào hồ sơ cho thấy, khi kiểm tra thực địa thì cộc mốc số 1212/27 thể hiện ranh giới rừng phòng hộ rất xung yếu. Còn cột mốc số 1211/25+300 khi đi kiểm tra thực tế thì “không thấy”. Còn biển báo 25 còn nguyên hiện trạng.

Ông Tuyền khẳng định, phần ranh rừng phòng hộ thì cột mốc cắm tại thực địa rất quan trọng. “Trong khi biển báo 25 phân ranh có lợi cho tôi thì Sở NN&PTNT nói đặt sai vị trí. Còn các biển báo còn lại thì đặt đúng vị trí.

Ngoài ra, 2 cột mốc số 1212/27 và số 1211/25+300 thì cái còn cái “không thấy”. Chỉ có 1 cột mốc thì căn cứ vào đâu xác định vuông tôm của tôi trong ranh rừng phòng hộ? Vì về nguyên tắc có 2 điểm mốc mới xác định được”, ông Tuyền bức xúc.

Ông Tuyền cũng chia sẻ, chỉ vì cái ranh rừng mà gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó. Bản thân ông dù bị bệnh tật nhưng phải “đội” đơn đi kiện tụng khắp nơi. Do Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Cà Mau giải quyết chưa thỏa đáng nên ông kiện ra tòa.

Nguyệt Danh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Một gia đình lao đao vì cái ranh rừng