Nhiều người ở xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) rất bức xúc trước việc nhiều tổ chức, cá nhân địa phương đã tự ý đào bới đất rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái để nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, khi cơ quan nhà nước báo cáo sự việc trên đã “lộ” ra nhiều mâu thuẫn.

Cà Mau: Người dân phá đất rừng nuôi tôm, xã nói sai, huyện bảo không

Trần Khải | 01/06/2019, 13:27

Nhiều người ở xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) rất bức xúc trước việc nhiều tổ chức, cá nhân địa phương đã tự ý đào bới đất rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái để nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, khi cơ quan nhà nước báo cáo sự việc trên đã “lộ” ra nhiều mâu thuẫn.

Xã báo cáo có nhiều trường hợp vi phạm

Theo tài liệu mà PV có được, ngày 16.4 vừa qua, sau khi phát hiện nhiều trường hợp tự ý đào bới đất rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái ở ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, UBND xã này đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, đồng thời lập biên bản đối với những hộ vi phạm và buộc ngưng ngay mọi hoạt động tại vị trí đất đã đào bới.

Tại báo cáo số 170A/BC-UBND của UBND xã Tân Ân, đã căn cứ công văn số 1313/SNN-TS ngày 30.5.2018 của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau về việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trong rừng ngập mặn và vùng nuôi tôm sinh thái để báo cáo về UBND H.Ngọc Hiển về những trường hợp vi phạm.

Báo cáo của UBND xã Tân Ân - Ảnh: Anh Duy

“UBND xã Tân Ân đã chỉ đạo Tổ kiểm tra thực hiện nội dung trên. Kết quả, phát hiện 5 trường hợp vi phạm tự ý đào ao không nằm trong quy hoạch và phát triển mới diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên diện tích rừng ngập mặn, vùng nuôi tôm sinh thái.

Đồng thời, Tổ kiểm tra lập biên bản, yêu cầu tạm ngưng việc đào ao. Tuy nhiên, đến nay thì các trường hợp nêu trên đã lập biên bản nhưng vẫn tiếp tục tự ý đào ao phát sinh mới trái phép, không theo quy định”, nội dung báo cáo do Chủ tịch UBND xã Tân Ân - Nguyễn Phương Nam ký, nêu rõ.

Khi PV đặt câu hỏi, đối với các trường hợp tự ý đào bới đất rừng để làm ao nuôi tôm công nghiệp khi xã phát hiện, lập biên bản và báo cáo về huyện, thì UBND huyện có ý kiến chỉ đạo gì hay không? Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ân khẳng định: “Nói chung là huyện không có chỉ đạo bằng văn bản, chỉ có nói cứ tiếp tục việc quản lý, bảo vệ rừng”.

Như vậy, dù UBND xã Tân Ân đã có văn bản báo cáo huyện về những trường hợp vi phạm đào bới đất rừng ngập mặn, nhưng sau hơn 1 tháng, UBND huyện vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cho địa phương phải thực hiện ngăn chặn các trường hợp trên như thế nào.

Xã báo cáo có, huyện nói không về việc người dân phá rừng

Sau khi vụ việc trên bị báo chí phản ánh, ngày 24.5 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản “hỏa tốc” về việc kiểm tra thông tin báo chí phản ánh gửi Sở NN&PTNT tỉnh và UBND các H.Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, U Minh và Trần Văn Thời.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu UBND H.Ngọc Hiển xác minh thông tin mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trái phép để nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh (nếu có), báo cáo xác minh cho UBND tỉnh trước ngày 31.5.

Theo báo cáo số 288/BC-UBND ngày 30.5 của UBND H.Ngọc Hiển, qua rà soát trên địa bàn ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân không có trường hợp người dân phá rừng - vùng nuôi tôm sinh thái để nuôi tôm công nghiệp. Chỉ có qua rà soát, tại địa phương này có 1 tổ chức và 4 cá nhân đang cải tạo phần đất được giao theo quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 30.11.2007 của UBND tỉnh Cà Mau về giao đất cho UBND xã Tân Ân để giao cho các hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 của Chính phủ, với diện tích 252,7ha.

Báo cáo của UBND H.Ngọc Hiển - Ảnh: Anh Duy

Diện tích mà tổ chức và hộ gia đình cá nhân tác động là 18,41ha/25,73ha được giao để quản lý, sử dụng. Trong số phần đất trên, có 2,9ha, đã đào 12 ao, kênh mương thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Tuấn Vũ, Bí thư Đoàn xã Tân Ân. UBND H.Ngọc Hiển còn cho biết, quá trình kiểm tra, khảo sát thì các hộ trên đều chưa tổ chức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (nhận định sẽ nuôi thâm canh, bán thâm canh nhưng các hộ phủ nhận).

Về nguồn gốc đất, đây là khu vực đất tái định canh, định cư (thuộc dự án Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước ven biển nam Việt Nam (CWPD), tỉnh Cà Mau) và tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân đã được UBND tỉnh Cà Mau giao đất với phần diện tích là 252,7ha.

“Trên cơ sở đó, UBND H.Ngọc Hiển đã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 181 của Chính phủ. Khi dự án bàn giao đất lại cho hộ dân hiện trạng không có rừng mà chủ yếu là kinh mương và bờ đã đào sẵn. Khi huyện lập hồ sơ giao quyền sử dụng đất cho dân có quy định tùy theo diện tích phải trồng rừng theo tỷ lệ nhất định từ 10 - 50%”, nội dung báo cáo của UBND huyện Ngọc Hiển nêu.

UBND H.Ngọc Hiển cho rằng, Dự án CWPD thực hiện việc di dời, tái định canh, định cư cho các hộ dân sống trong rừng phòng hộ xung yếu, ven biển trên địa bàn huyện. Với phương châm là di dời dân để ổn định cuộc sống, sản xuất. Phần đất tái định canh được bố trí lại theo diện tích đất mặt nước hiện có của người dân nằm trong khu vực rừng phòng hộ, hay nói nôm na là đất đổi đất, nhưng chi trả 30% theo quy định được đào kinh, bờ.

Do đó, phần diện tích đất của người dân được nhận sau khi di dời là phần đất nuôi trồng thủy sản, không phải là đất rừng. Trước khi giao đất, Ban QLDA CWPD đã đưa cơ giới vào đào kênh mương phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản, không có mặt bằng trồng rừng.

“Mặt khác, đây là khu vực đất gò cao, trồng rừng kém hiệu quả và cũng không phải là vùng nuôi tôm sinh thái của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng. Huyện đã đưa vào quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, thực tế đã có nhiều tổ chức, cá nhân đang nuôi tôm công nghiệp và huyện đang tiếp tục trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào quy hoạch nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh tập trung”, văn bản do ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển ký.

Công văn của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau không cho mở rộng diện tích đất rừng ngập mặn để nuôi tôm công nghiệp - Ảnh: Anh Duy

Qua xem xét, nội dung 2 báo cáo của UBND xã Tân Ân và UBND H.Ngọc Hiển, dư luận cho rằng đã có sự đối lập, mâu thuẫn nhau. UBND xã thì khẳng định rằng, cả 5 trường hợp nói trên đã vi phạm tinh thần chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tại công văn số 1313. Thế nhưng, ý kiến của UBND H.Ngọc Hiển thì ngược lại, họ cho rằng đất đó là đất nuôi trồng thủy sản chứ không phải đất rừng?

Phải chăng, giữa 2 cơ quan nhà nước này đã chưa có sự thống nhất chung về sự việc và có dấu hiệu hiểu sai văn bản? Nếu đất đó là đất nuôi trồng thủy sản thì người dân có quyền đào bới làm đầm nuôi tôm công nghiệp, nhưng tại sao lại bị UBND xã lập biên bản, xử phạt như vậy có đúng quy định không? Nếu xã xử phạt sai thì trách nhiệm này thuộc về ai và xử lý như thế nào?

Anh Duy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Người dân phá đất rừng nuôi tôm, xã nói sai, huyện bảo không