Tỉnh Cà Mau đang rất nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc đánh bắt trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, hướng đến mục tiêu được Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng.
Đẩy mạnh tuyên truyền tới từng tàu, từng ngư dân
Hiện nay, thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Trong đó, khai thác thủy sản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ kinh tế biển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng ven biển, đảo ngày được nâng cao.
Ngoài góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, các đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh Cà Mau còn đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Cà Mau là tỉnh nằm ở cực nam của tổ quốc, một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, được đánh giá có nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao nên thuận lợi cho phát triển nghề khai thác thủy sản. Tính đến cuối tháng 9.2022, toàn tỉnh Cà Mau có 3.988 tàu đánh cá. Trong đó, 1.555 tàu khai thác vùng khơi (thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình). 100% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định.
Ông Lý Bông (67 tuổi), ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Gia đình tôi 3 đời làm nghề biển. Trước đây, khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quá trình khai thác trên biển gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi lắp đặt sản phẩm công nghệ này, tàu cá của gia đình tôi hoạt động rất thuận lợi, việc giám sát của cơ quan chuyên môn rất chặt chẽ, kịp thời. Nhờ đó, mình chủ động được các vấn đề như thời tiết xấu hoặc khi tàu cá gặp trục trặc như máy móc hư hỏng, ngư dân đau bệnh cũng được xử trí gọn gàng, nhanh chóng”.
Ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Thị trấn Rạch Gốc là cửa biển lớn, có lượng ghe tàu lớn nhất huyện Ngọc Hiển. Hiện địa phương đang nỗ lực tuyên truyền để ngư dân hiểu đúng về những quy định của nhà nước trong quá trình đánh bắt trên biển. Ở địa phương hiện chưa ghi nhận việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đó là tiền đề góp phần vào việc Ủy ban châu Âu xem xét, gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản nước ta”.
Theo ông Đảm, để góp phần vào việc gỡ bỏ thẻ vàng của EC, địa phương đang rất nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ bà con ngư dân trong việc ghi chép nhật ký đánh bắt để thuận tiện cho quá trình khai báo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Khai thác phải ghi nhật ký, sản phẩm bắt được ở toạ độ nào, ở đâu. Giờ chủ yếu khai báo trên giấy, chứ chưa áp dụng máy móc, công nghệ quản lý, nên địa phương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho bà con ngư dân”, ông Đảm cho hay.
Tỉnh Cà Mau có 3.988 tàu cá được đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó, 1.010 tàu cá có chiều dài từ 6 - dưới 12m; 1.423 tàu cá có chiều dài từ 12 - dưới 15m, và 1.555 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Ngành nghề khai thác chủ yếu là lưới rê, nghề câu, lồng bẫy, dịch vụ hậu cần…
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau thông tin: “Tổng lượng khai thác trung bình hằng năm của địa phương đạt khoảng 230.000 tấn, trong đó tôm đạt 10.000 tấn. Thống kê sản lượng khai thác biển trong 9 tháng đầu năm 2022, Cà Mau đạt 172.678 tấn, trong đó tôm 6.598 tấn”.
Theo ông Triều, tỉnh Cà Mau xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của trung ương về vấn đề chống khai thác IUU.
“Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU (BCĐ) theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ. Thời gian qua, BCĐ đã tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả đạt được, nguyên nhân hạn chế; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện. Đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai, quán triệt cho các đơn vị có liên quan để phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân”, ông Triều nói.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ năm 2020 đến nay, qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, địa phương đã kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi 286 tàu cá hoạt động vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam. Trong đó, năm 2020 có 32 tàu; năm 2021 có 166 tàu và năm 2022 là 88 tàu.
Sau khi kêu gọi, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã làm việc và yêu cầu chủ các tàu cam kết không hoạt động khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong 3 năm qua, Văn phòng IUU tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính tại nhiều cảng cá có lưu lượng tàu thuyền cập bến bán hải sản đông đúc như Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển)… Kết quả, tỉnh đã kiểm tra 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên với 39.936 lượt cập, rời cảng. Qua kiểm tra, ngành chức năng đã lập biên bản nhắc nhở 1.035 tàu cá và yêu cầu chủ tàu cam kết tham gia hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường. Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện, ra quyết định xử phạt 481 vụ vi phạm về khai thác thủy sản, với số tiền gần 18 tỉ đồng. Trong đó, năm 2020 có 194 vụ, phạt tiền hơn 7,7 tỉ đồng; năm 2021 có 193 vụ phạt tiền hơn 5,5 tỉ đồng và năm 2022 có 94 vụ phạt tiền hơn 4,7 tỉ đồng.
Xử phạt vi phạm về khai thác IUU là 233 vụ, với số tiền gần 15 tỉ đồng. Trong đó, năm 2020 có 71 vụ, với hơn 6,3 tỉ đồng; năm 2021 có 106 vụ, với hơn 4,3 tỉ đồng; năm 2022 có 56 vụ, với hơn 4,1 tỉ đồng.
Còn nhiều vướng mắc
Hướng đến mục tiêu Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng cho Việt Nam, Văn phòng IUU tỉnh Cà Mau đã tổ chức trực ban 24/24 để giám sát hoạt động khai thác của tàu thuyền trên biển thông qua hệ thống giám sát. Đơn vị đã khai thác và phối hợp xử lý dữ liệu tại hệ thống giám sát tàu cá theo quy định; qua đó kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi các tàu cá hoạt động vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển Việt Nam.
Dù đã có những kết quả đạt được, UBND tỉnh Cà Mau cũng nhìn nhận, hiện một số tính năng trên hệ thống giám sát tàu cá chưa hoàn thiện, chưa phục vụ hiệu quả việc hỗ trợ, cảnh báo; vẫn còn hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình gửi tàu khác, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt tại các cảng cá để phục vụ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát lượng thủy sản qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU, hợp thức hóa, phục hồi, hồi ký hồ sơ đối với sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa rõ nguồn gốc, có nguy cơ vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh Cà Mau xác định, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả những chỉ đạo của trung ương; khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại; hướng tới mục tiêu cùng cả nước sớm gỡ thẻ vàng của EC; xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.