Để đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong quý 4/2022, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối xăng dầu khoảng 5.500.000 m3/tấn.

Liệu có đủ xăng dầu cho từ nay tới cuối năm?

Tuyết Nhung | 25/10/2022, 16:45

Để đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong quý 4/2022, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối xăng dầu khoảng 5.500.000 m3/tấn.

Ổn định nguồn cung xăng dầu trong mọi hoàn cảnh

Báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu 9 tháng từ đầu năm 2022, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn thông tin báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng khoảng trên 17.238.335 m3/tấn, đạt 86% tổng nguồn được giao từ đầu năm, và 77% tổng nguồn giao đầu năm cộng với sản lượng được giao nhập khẩu tăng thêm trong quý 2/2022.

2022_10_25_03_49_254_be157.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông báo về tình hình xăng dầu

Trong đó, số xăng nhập về đạt gần 92% tổng nguồn giao, dầu diesel đạt 83,5%, dầu hỏa 82,1%, dầu mazut 67,5% tổng nguồn được giao cho các doanh nghiệp, bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Phần lớn các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn đều nhập đạt và vượt tổng nguồn tối thiểu được giao đối với mặt hàng chủ đạo là xăng, dầu diesel. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, vẫn có một số doanh nghiệp chưa thực hiện được tổng nguồn tối thiểu mà Bộ Công Thương giao từ đầu năm.

Để đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong quý 4/2022 phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm cả nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khoảng 5.500.000 m3/tấn (bình quân 1.833.333 m3/tấn/tháng); trong đó xăng 2.248.066m3 (bình quân 749.355 m3/tháng), diesel 3.133.149m3 (bình quân 1.044.383 m3/tháng), mazut 110.497 tấn (bình quân 36.832 tấn/tháng), dầu hỏa 8.287m3 (bình quân 2.762 m3/tháng).

Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh, cho tới thời điểm này, có thể khẳng định sức chịu đựng của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối rất kiên cường bởi những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới của năm 2022.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, ông Bảo cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý 4, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được. Ngoài ra phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Bảo đánh giá hiện nay còn nhiều kiến nghị trong các cuộc họp trước chưa được các bộ ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí tạo nguồn, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.

Do đó, ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như quy định hiện nay để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Cứu doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: "Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, các bộ ngành khác để giải quyết, hoặc đề xuất kiến nghị lên chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần có sự chia sẻ với nhau và với các doanh nghiệp trong hệ thống của mình để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân phân phối, đại lý, tổng đại lý để cùng vượt qua những khó khăn hiện nay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian qua, cơ quan chức năng các địa phương đã, đang và tiếp tục có những chia sẻ, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (bằng việc điều chỉnh thuế, phí, tạo điều kiện về tín dụng, thủ tục hải quan) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, giữa tháng 10 vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số khu vực ở các tỉnh, thành phố phía nam.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như: Một số cửa hàng phân phối và các thương nhân bán lẻ còn hoạt động nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp, không có những hợp đồng ràng buộc dài hạn với các doanh nghiệp phân phối và thương nhân đầu mối, thiếu sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các bên; một số doanh nghiệp thiếu nguồn vốn thanh toán (do bị hạn chế về room tín dụng hoặc bị phân tán nguồn lực cho các lĩnh vực kinh doanh khác ngoài xăng dầu)...

Về các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu ở thị trường trong nước thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc yêu cầu nhiệm vụ của mình theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83). Đó là bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh, thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và được phân giao từ đầu năm, bổ sung điều chỉnh trong tháng 2 và kế hoạch điều chỉnh tháng 10.

Với các doanh nghiệp sản xuất (các nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, Nghi Sơn) cần nỗ lực nâng cao công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung trong nước; đồng thời cần có những biện pháp ràng buộc chặt chẽ hơn với doanh nghiệp đầu mối nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, bảo đảm sự đồng bộ, khớp nối giữa kế hoạch sản xuất và kế hoạch phân phối của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hằng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ, nhất là thời điểm cuối năm, nhu cầu về xăng dầu, khí đốt tại các nước châu Âu vào mùa đông sẽ tăng cao.

"Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu đạt mức tối thiểu theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối cần bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, nhưng cũng phải đúng quy trình", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Từ ngày 1.1.2023, các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối sẽ phải triển khai đồng bộ việc ứng dụng phần mềm quản lý trong kinh doanh xăng dầu được kết nối từ Bộ Công Thương đến với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối nhằm minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông và bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn đang diễn ra; hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ ngành có liên quan để làm rõ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tác động đến thị trường cung ứng xăng dầu trong nước; đồng thời cần chủ động kiến nghị, phản ánh với các bộ ngành có chức năng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về những khó khăn, vướng mắc cụ thể để được xem xét giải quyết, bảo đảm khách quan, chính xác và hiệu quả.

Bộ trưởng Diên cũng đề nghị chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền các tỉnh thành là cơ quan cấp phép và quản lý trực tiếp đối với hệ thống đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ có trách nhiệm quan tâm và kịp thời hơn trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Đồng thời, bộ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo xây dựng và triển khai đồng thời phần mềm quản lý đối với các đối tượng quản lý theo phân cấp nhằm bảo đảm minh bạch, khách quan, chính xác trong quản lý và thực thi nhiệm vụ từ ngày 1.1.2023 theo chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia.

Bài liên quan
Giá xăng dầu tăng nhẹ từ 15 giờ chiều nay
Giá xăng dầu trong kỳ điều hành chiều nay 21.10 tăng nhẹ. Đây là lần tăng giá bán lẻ thứ 2 liên tiếp sau chuỗi ngày dài giảm giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có đủ xăng dầu cho từ nay tới cuối năm?