Tỉnh Cà Mau đã vạch ra lộ trình phát triển ngành tôm để tỉnh trở thành "trung tâm tôm" lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỉ USD.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2030 trở thành 'trung tâm tôm' lớn nhất nước

Trần Khải 27/05/2024 11:22

Tỉnh Cà Mau đã vạch ra lộ trình phát triển ngành tôm để tỉnh trở thành "trung tâm tôm" lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 xuất khẩu thủy sản đạt 1,65 tỉ USD.

Theo đó, Cà Mau sẽ xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung cho nền kinh tế của tỉnh và đất nước.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 280.000ha, sản lượng đạt 280.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 5.000ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh 4.200ha; quảng canh cải tiến là 200.000ha; quảng canh 70.800ha; diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000ha...

2-sau-95-ngay-tha-nuoi-hien-dan-tom-cua-anh-binh-dat-trong-luong-30-conkg.jpg
Cà Mau tập trung phát triển ngành tôm thành kinh tế mũi nhọn của địa phương - Ảnh: Trần Khải

Tỉnh chú trọng đến việc sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng, để đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của địa phương; sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng. Trị giá kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ đạt 1,4 tỉ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ vẫn duy trì ổn định 280.000ha, tổng sản lượng tôm nuôi 350.000 tấn, trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỉ USD.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về tầm nhìn đến năm 2050, ngành tôm của tỉnh sẽ phát triển bên vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm tôm nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngành tôm tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm trong nước và thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỉ USD/năm.

Vùng sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh được quy hoạch phân bố tại TP.Cà Mau và các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời… Cà Mau khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Đến năm 2030 sẽ hình thành được 5 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư như: Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Tân Thuận với 141ha, khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân với 40ha (thuộc huyện Đâm Dơi), vùng nuôi tôm siêu thâm canh thuộc khu kinh tế Năm Căn (huyện Năm Căn) với 2.000ha, vùng nuôi tôm siêu thâm canh Phong Điện với 400ha và vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khánh Hải với hơn 299ha (cùng thuộc huyện Trần Văn Thời).

3-nho-duoc-nuoi-bang-thao-duoc-nen-tom-rat-khoe-manh.jpg
Tỉnh Cà Mau khuyến khích người nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học - Ảnh: Trần Khải

Tỉnh tập trung phát triển nhanh, mạnh đổi với tôm thẻ chân trắng và tôm sú bởi 2 loại này có thị trường tốt; đồng thời nhân rộng và phát triển mô hình nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và phát triển bên vững.

Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng phát triển vùng nuôi tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ, chủ yếu tập trung tại TP.Cà Mau và các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh; tôm rừng đạt chứng nhận quốc tế ở 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, sản lượng chế biến thủy sản của tỉnh đạt trên 176.000 tấn (thành phẩm); tiếp tục giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống; mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Đến năm 2030, cơ cấu thị trường EU sẽ khoảng 17%, Nhật Bản khoảng 20%, Mỹ 20%, Trung Quốc và các thị trường khác khoảng 43% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 4.050 tỉ đồng, từ các thành phần kinh tế khác 15.950 tỉ đồng.

Bài liên quan
Tôm Cà Mau đạt chứng nhận BAP
Đây là chứng nhận toàn cầu thứ 2 dành cho sản phẩm tôm ở vùng chuyên canh tôm - lúa ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cảnh báo lũ trên sông Hồng vượt mốc lịch sử năm 1968 và 2008
một giờ trước Theo dòng thời sự
Cơ quan khí tượng dự báo trong đêm nay lũ trên sông Hồng đoạn qua tỉnh Lào Cai và Yên Bái sẽ vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2030 trở thành 'trung tâm tôm' lớn nhất nước