Tiền Giang được mệnh danh là thủ phủ trái cây của nước ta, trong đó trái sầu riêng chiếm ngôi đầu bảng về số lượng trong vùng ĐBSCL. Từ cảnh báo việc dùng chất cấm trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã có bước chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tiền Giang chấn chỉnh việc xuất khẩu sầu riêng

VKK - Mỹ Tho 26/05/2024 06:14

Tiền Giang được mệnh danh là thủ phủ trái cây của nước ta, trong đó trái sầu riêng chiếm ngôi đầu bảng về số lượng trong vùng ĐBSCL. Từ cảnh báo việc dùng chất cấm trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang đã có bước chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

sau-5.jpg
Sầu riêng Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Tiền Giang là địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn của cả nước. Gần đây, trái sầu riêng được xuất khẩu mạnh, giá rất cao nên được mệnh danh là “cây tỉ phú” giúp nhà vườn làm giàu. Tuy nhiên, đã có một số lô hàng bị phía đối tác trả về do nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức cho phép. Do đó, vấn đề chất lượng đối với trái cây này đang được nhà vườn, các ngành chức năng quan tâm chấn chỉnh để giữ vững thương hiệu và xuất khẩu ổn định.

Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 22.000ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, tập trung nhiều ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy; trong đó có gần 15.000ha cây đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, trái sầu riêng liên tục tăng giá. Hiện nay, sầu riêng Monthong trái vụ có giá đến trên 100.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 giá trên 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, một hecta cây sầu riêng giúp nhà vườn có thu nhập trên 1tỉ đồng/năm.

sau-4.jpg
Thu hoạch sầu riêng ở Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã có 115 vườn sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, 66 cơ sở thu mua được cấp mã số cơ sở đóng gói. Thời gian qua, qua kiểm tra, các ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh trái sầu riêng. Do đó, việc xuất hiện 4 doanh nghiệp kinh doanh trái sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang vi phạm kim loại nặng cadimi vượt mức quy định bị phía Trung Quốc trả về là hồi chuông cảnh báo đầu tiên để nhà vườn, doanh nghiệp và cơ quan chức năng địa phương phải chấn chỉnh vấn đề trên, quyết tâm giữ vững chất lượng, thương hiệu của loại trái cây đặc sản này. Đối với các doanh nghiệp, trước khi đưa trái sầu riêng đi xuất khẩu phải test nhanh, khi đạt chất lượng mới xuất bến. Ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

sau-2.jpg
Khách tham quan vườn sầu riêng ở Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Theo Chi cục trồng trọt - bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Tiền Giang, trong số 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc, tại tỉnh Tiền Giang có 4 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây này vi phạm, chủ yếu tại địa bàn huyện Cai Lậy.

Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang đã làm việc với 4 doanh nghiệp có liên quan, truy xuất nguồn gốc trái sầu riêng đã thu mua, lấy mẫu nước, đất tại vùng nguyên liệu để phân tích.

Ông Võ Văn Men, Chi cục Trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chi cục đã phối hợp với các địa phương và 4 doanh nghiệp này để khắc phục tình trạng trái sầu riêng nhiễm cadimi. Đầu tiên là truy xuất nhật ký thu mua; thứ hai, trong quá trình thu gom hàng phải có giấy thì các nơi đã cung cấp được cái này. Tiến hành kiểm tra nước, đất nơi mà các doanh nghiệp đi thu mua trái sầu riêng trước đây để biết có nhiễm chất cadimi hay không. Qua phân tích chưa phát hiện nhiễm cadimi, chúng tôi đã gửi kết quả đến Cục Bảo vệ thực vật”.

sau-10.jpg
Tại một vựa sầu riêng xuất khẩu - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Dương Văn Đây, chủ vườn cây sầu riêng 2,7ha tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Đối với người trồng sầu riêng, muốn đạt chất lượng thì tránh sử dụng những loại thuốc thuộc danh mục không cho phép. Nếu sử dụng bừa bãi thì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn trong đó, sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với trái cây sầu riêng”.

sau-1.jpg
Vườn sầu riêng ở Tiền Giang - Ảnh: Mỹ Tho

Hiện nay, khi vào mùa, các doanh nghiệp thu mua (địa phương gọi là vựa) đóng hàng nhiều. Quá trình này có sự phối hợp liên ngành giữa Chi cục Bảo vệ thực vật, công an kinh tế, môi trường kiểm tra, yêu cầu các nhà vựa không sử dụng các loại thuốc cấm để "kích" trái chín đều hoặc diệt nấm mốc. Các nhà vườn cũng chỉ hái sầu riêng khi trái đã già, không cắt sầu riêng đang non làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng xuất khẩu.

sau-8.jpg
Vựa thu mua sầu riêng xuất khẩu - Ảnh: Mỹ Tho

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch - Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo các điểm đóng hàng sầu riêng xuất khẩu cần cải tiến quy trình xử lý sau thu hoạch. Phải xử lý đầy đủ các công đoạn qua những hệ thống rửa làm sạch bề mặt. Giai đoạn cuối cùng phải áp dụng tác nhân khởi động quá trình chín trái và chất diệt nấm là các phụ gia thực phẩm an toàn. Những hóa chất trôi nổi chưa được đăng ký với cơ quan chức năng thì chúng tôi không khuyến cáo dùng. Tất cả các thuốc diệt nấm, xử lý sau thu hoạch nếu được áp dụng thì phải đăng ký và được cho phép”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam đề cao giá trị của UNCLOS, thúc đẩy hợp tác về biển và đại dương
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Về Biển Đông, Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị các nước thành viên thực hiện chính sách biển một cách trách nhiệm và hợp pháp, cùng nhau bảo đảm hòa bình, ổn định, thịnh vượng và sự phát triển bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang chấn chỉnh việc xuất khẩu sầu riêng