Thống kê của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 20.9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ, bệnh đang gia tăng ở nhiều nơi trong tỉnh.
Các địa phương được ghi nhận có nhiều ca bệnh đau mắt đỏ như xã Nguyễn Phích, huyện U Minh; phường 1, TP.Cà Mau; thị trấn Cái Nước và xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phần đông là học sinh.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh đau mắt đỏ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế Cà Mau tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hệ thống y tế cơ sở nhằm phát hiện sớm ca bệnh; giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ổ bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết về các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ, chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, cần có các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi tập trung đông người; chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh.
Sở GD-ĐT cần tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong học đường, kịp thời phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý kịp thời. Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên.
Các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, hộ gia đình, nơi tập trung đông người và cộng đồng; không để bệnh lan rộng, kéo dài.