Một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 vừa xuất hiện trên đàn vật nuôi hàng ngàn con của 1 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
UBND H.Phú Tân (Cà Mau) vừa có văn bản công bố dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Phú Thuận. Khoảng 1 tuần trước, sau khi tiếp nhận tin báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y H.Phú Tân đã phối hợp với UBND xã Phú Thuận tiến hành kiểm tra đàn gia cầm có biểu hiện mắc bệnh cúm H5N1 của hộ ông Dương Thành Nhỏ (ngụ ấp Đất Sét, xã Phú Thuận).
Tổng đàn gia cầm của gia đình ông Nhỏ là 2.240 con. Trong đó có 1.000 con gà trọng lượng từ 2-3 kg/con; 600 con gà trọng lượng từ 300-500 gam/con và 640 con vịt các loại. Qua kiểm tra thực tế, tổng đàn gia cầm mắc bệnh là 1.600 con gà các loại.
Ngay khi phát hiện, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản và tiêu hủy số gà bị chết là 800 con. Trong đó, có 500 con gà lớn (từ 2-3 kg/con) và 300 con gà nhỏ (từ 300-500 gam). Đồng thời, ngành chức năng địa phương đã tiến hành phun xịt thuốc sát trùng theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn và yêu cầu chủ hộ ký cam kết tạm giữ số gia cầm còn lại để theo dõi chứ không được bán ra bên ngoài; không vận chuyển đi nơi khác và phun xịt thuốc sát trùng hàng ngày tại khu vực chăn nuôi.
Đến ngày 25.1 vừa qua, Chi cục Thú y vùng VII có thông báo về kết quả mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn gia cầm nói trên đã dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1. Cùng ngày, UBND xã Phú Thuận tiếp tục tiêu hủy 800 con gà mắc bệnh còn lại. Trong đó, có 500 con gà lớn và 300 gà nhỏ. Số lượng gia cầm sau 2 lần tiêu hủy là 1.600 con gà.
Riêng 640 con vịt còn lại thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y H.Phú Tân phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và UBND xã Phú Thuận vận động hộ chăn nuôi để thực hiện tiêu hủy. Đồng thời tiến hành điều tra tổng đàn gia cầm xung quanh ổ dịch; rà soát và tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch; giám sát tổ chức phun xịt, tiêu độc sát trùng xung quanh khu vực ổ dịch đúng theo quy định.
Hiện ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VII thực hiện lấy mẫu 2 hộ nuôi gia cầm tiếp giáp với ổ dịch để kịp thời khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.