Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 18.4.

Cả nước có đến 210.000 người nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện quá tải

Trí Lâm | 18/04/2017, 11:40

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 18.4.

Tại phiên họp ngày 18.4, UB Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nói về tình trạng người cai nghiện đập phá, trốn cơ sở cai nghiện, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng cho biết, hiện cả nước có khoảng 210.000 người nghiện ma túy, trong đó có 60.000 người đang được cai nghiện ở các cơ sở ma túy; khoảng 17.000 người phải bắt buộc cai nghiện theo quyết định của tòa án...

“Trong khi đó, tình hình người nghiện thời gian qua diễn biến phức tạp, xuất hiện các loại ma túy mới; vấn đề phạm tội do ngáo đá dẫn đến các hành vi tâm thần, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường. Gần đây Bộ Công an thống kê có đến 60% tội phạm liên quan đến ma tuý”, Bộ trưởng nói.

Nguyên nhân xảy ra một số vụ trốn trại tập trung (Đồng Nai, Tây Ninh, Hải Phòng) là những học viên không tự nguyện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc (do gia đình đưa vào); bên cạnh đó nhiều địa phương đưa người nghiện vào cơ sở để 'trong sạch địa bàn'... dẫn đến cơ sở cai nghiện quá tải, tạo sự bức bối cho học viên.

“Phải đưa các em vào cơ sở cai nghiện là việc không mong muốn. Nhiều em phải đi cai nghiện bắt buộc là do trước đó đã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng không thành công. Trong các vụ đập phá, tôi có xuống nói chuyện thì các em bảo, đập cứ đập, nếu bị bắt thì lại vào lại thôi”, ông Dung nói.

Mặt khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong số học viên cai nghiện, nhiều người đã có tiền án, tiền sự thường cầm đầu gây rối; chế tài đối với hành vi đập phá, trốn trại chưa đủ sức răn đe; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện mỏng và còn vướng mắc trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Theo Bộ trưởng, nhiều cơ sở cai nghiện quá tải nghiêm trọng. Có cơ sở chỉ đủ điều kiện cho 600 người nhưng có tới 1.400 người vào cai nghiện. Cơ sở vật chất thiếu đầu tư, có nơi sử dụng cơ sở từ trước năm 1975, lương cho nhân viên thấp cũng là nguyên nhân khiến công tác cai nghiện gặp khó khăn.

“Mức lương của nhân viên làm việc tại đây chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi không có công cụ hỗ trợ, bảo vệ đầy đủ, do đó tuyển người vào rất khó”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về pháp lý cần được điều chỉnh như bất cập trong quy định hiện hành về đối tượng, sàng lọc ban đầu, thời gian cai nghiện, cơ quan quản lý… Nhiều địa phương lấy lý do làm trong sạch địa bàn đã tìm mọi cách đưa tất cả người sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện, không phân biệt giữa người nghiện, người sử dụng và người lạm dụng ma túy.

“Ở nhiều nước, nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cai nghiện được giao cho các cơ quan tư pháp nhưng ở Việt Nam, việc này được giao Bộ Lao động. Công an chỉ hỗ trợ vòng ngoài, khi có vấn đề xảy ra thì công an mới can thiệp còn trại phải tự lo hết, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện như nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về hậu quả nghiêm trọng mà ma túygây ra; tập trung giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; hoàn thiện hệ thống chính sách…

Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ cơ sở, vật chất, thiết bị cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện ma túy; tăng cường công tác cán bộ, làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong quản lý các cơ sở cai nghiện; tiếp cận các phương pháp cai nghiện mới, mở rộng mạng lưới tư vấn và điều trị cho từng người nghiện ngay tại cộng đồng.

Đào tạo không gắn với thị trường

Về quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cũng giải trình về những vấn đề như xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới cơ sở đào tạo "đắp chiếu", lãng phí; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được; chất lượng đào tạo nghề thấp, sinh viên ra trường không có việc làm…

Để giải quyết những tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích, buộc các trường hoạch định như doanh nghiệp, hướng đến giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình đào tạo phù hợp. Theo đó, sẽ từng bước chuyển giao dự toán ngân sách như hiện nay sang đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra mà không phân biệt công lập hay tư nhân.

Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo và người lao động. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng người ra trường thì không có việc làm, doanh nghiệp thì phải đào tạo lại.

Đồng thời, tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực của các nước Asean và các nước phát triển như chuẩn đầu ra, chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn về giáo viên, cán bộ quản lý và chuẩn về kiểm định chất lượng.

Cùng với đó, Bộ cũng kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vài trò chủ động của các cơ quan chủ quản.

Hoài Phong
Bài liên quan
Bộ Chính trị kỷ luật Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung và cựu bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, và cảnh cáo bà Phạm Thị Hải Chuyền, cựu bộ trưởng bộ này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
8 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cả nước có đến 210.000 người nghiện ma túy, cơ sở cai nghiện quá tải