Chiều 10.9, Bộ Y tế ghi nhận có 13.321 ca mắc COVID-19, nhiều hơn hôm qua 907 ca.
Bộ Y tế ghi nhận 13.321 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.306 ca ghi nhận trong nước, tại TP HCM (7.539), Bình Dương (3.563), Đồng Nai (823), Long An (321), Tây Ninh (248), Tiền Giang (156), Kiên Giang (86), Bình Phước (58), Đồng Tháp (58), Quảng Bình (48), Quảng Ngãi (45), Cần Thơ (37), Khánh Hòa (34), Bình Thuận (34), Đà Nẵng (30), Hà Nội (29), Bạc Liêu (26), Đắk Lắk (26), An Giang (19), Đắk Nông (17), Quảng Nam (16), Nghệ An (16), Bình Định (15), Phú Yên (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Thừa Thiên Huế (8 ), Bến Tre (6), Lâm Đồng (5), Thanh Hóa (5), Vĩnh Long (3), Ninh Thuận (3), Sơn La (3), Trà Vinh (2), Gia Lai (2), Hưng Yên (1), trong đó có 8.680 ca trong cộng đồng. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 589.417 ca nhiễm.
Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (286.242), Bình Dương (149.859), Đồng Nai (32.882), Long An (27.537), Tiền Giang (11.430). Tổng số ca bệnh được công bố khỏi bệnh trong ngày là 12.751 người. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca.
Đặc biệt, số ca tử vong tại TP.HCM (195), Bình Dương (41), Tiền Giang (3), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1). Bổ sung 21 ca tử vong từ trước tại: Bình Dương (14), Bình Thuận (4), Nghệ An (3). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.745 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Cũng trong chiều 10.9, Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm 11 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong ngày 10.9 lên tới 29 ca.
Trước đó, trả lời báo chí về việc phải giãn cách xã hội toàn TP.Hà Nội từ đầu tháng 8 cho tới nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết do Hà Nội vẫn phát hiện ra các ca lây nhiễm cộng đồng nên việc thực hiện giãn cách là điều cần thiết. Để giảm thời gian giãn cách xuống phải phát hiện, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Từ đó cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để, nới lỏng dần dần việc giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới và việc xét nghiệm rất quan trọng.
“Bài học kinh nghiệm từ các nước, đặc biệt như Trung Quốc là xét nghiệm nhanh, nhiều vòng. Bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, quận 7, huyện Củ Chi (TP.HCM) hay Khánh Hòa cũng cho thấy điều đó. Xét nghiệm sẽ tách được toàn bộ F0 khỏi cộng đồng, không để lây lan", ông Long khẳng định.
Bộ trưởng Long cũng cho biết Hà Nội đang triển khai tích cực “2 mũi giáp công” trong phòng chống dịch: Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc. Hiện hơn 10 tỉnh, thành phố đã được điều đông tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ cho Hà Nội triển khai xét nghiệm, tiêm chủng. Đồng thời, Bộ Y tế đã điều động nhân lực của các bệnh viện trung ương, trường đại học trung ương trên địa bàn để hỗ trợ cho Hà Nội.
Bộ cũng giao những phòng xét nghiệm của Bộ huy động tối đa để làm sao phục vụ cho xét nghiệm của thủ đô, tập huấn cho người dân để họ có thể tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện. "Chúng ta phải huy động lực lượng tình nguyện tham gia công tác xét nghiệm. Bởi trong tất cả công đoạn xét nghiệm chỉ có lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm phải đòi hỏi nhân viên y tế. Còn những công đoạn mang tính hành chính hay vấn đề về đảm bảo giãn cách, đảm bảo những hoạt động khác trong quá trình xét nghiệm thì có thể huy động lực lượng tình nguyện và lực lượng sinh viên trên địa bàn thủ đô…" - Bộ trưởng thông tin.