Hiện mỗi tháng tỉnh Long An vẫn duy trì xuất khẩu 10.000 đến 15.000 tấn thanh long sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đã thích nghi với hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tình hình mới. Tuy nhiên, người trồng thanh long ở Long An vẫn kêu khổ.

Xuất khẩu thanh long duy trì, nhưng nhà vườn vẫn khốn khó

Văn Kim Khanh | 10/09/2021, 17:27

Hiện mỗi tháng tỉnh Long An vẫn duy trì xuất khẩu 10.000 đến 15.000 tấn thanh long sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đã thích nghi với hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tình hình mới. Tuy nhiên, người trồng thanh long ở Long An vẫn kêu khổ.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, cho biết: “Từ tháng 7.2021 đến nay, việc xuất khẩu thanh long vẫn được duy trì. Giá xuất khẩu không cao, từ 18.000-20.000 ngàn đồng/kg. Chủ yếu thanh long xuất đi thị trường Trung Quốc và một số ít nước châu Âu. Hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Các thương nhân Trung Quốc qua Long An ở sẵn bên này. Khi có nhu cầu nhập khẩu, bên Trung Quốc báo số lượng và giá mua, họ sẽ liên hệ với các chủ vựa thanh long đặt hàng. Chính vì vậy, nên việc kết nối xuất khẩu không khó, vấn đề là bên Trung Quốc họ có nhu cầu bao nhiêu, vào thời điểm nào.”

thanh-long-xuat-khau-truoc-day-my-tho-new.jpg

Thanh long  xuất khẩu. Ảnh Tư liệu

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cần ký kết hợp đồng trước khi quyết định chở hàng đến biên giới Trung Quốc để tránh việc bị nghẽn lại.

Để tạo điều kiện cho việc sản xuất, cung ứng hàng xuất khẩu trong điều kiện còn giãn cách chống dịch, địa phương đã có nhiều cố gắng. Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, cho biết ngành y tế đã test sàng lọc cho hơn 8.000 người trong xã, kể cả những người làm thuê ở 30 điểm trọ trong xã, cho phép người thu hoạch thanh long đi lại từ chỗ ở đến kho làm, đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn. Xã Hiệp Thạnh có 18 kho chuyên thu mua, chế biến đủ chuẩn xuất khẩu. Chính vì vậy, nơi đây tập trung test sàng lọc để đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Để tránh đứt gãy chuổi cung ứng hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của Long An, tỉnh tập trung hỗ trợ, huyện đã ưu tiên test nhanh cho người canh tác, thu hoạch thanh long, duy trì được dây chuyền hoạt động của nông sản xuất khẩu. Tại các kho ở xã Hiệp Thạnh, mỗi nơi có vài chục đến vài trăm công nhân tập trung lựa trái, cân, theo dây chuyền làm sạch, vô bao bì, đóng thùng, chuyển lên thùng container một cách khẩn trương.

Mặc dù thanh long xuất khẩu được nhưng người trồng thanh long vẫn đang khốn khó. Anh Nguyễn Xuân Lập, xã viên HTX Bình Quới, xã Hiệp Thạnh- huyện Châu Thành, cho biết: “hiện thanh long xuất khẩu giá 18.000- 20.000/kg, nhưng giá mua thanh long tại vườn khá bèo bọt. Thanh long loại 1 xuất khẩu, họ mua giá 7.000-8.000 đồng/kg; thanh long mua thô, không phân loại, bán tại vườn chỉ có 3.000-4.000 đồng/kg. Giá này người trồng thanh long “lỗ đứt ruột”. Giá thành thanh long trồng theo quy trình GAP, vốn đầu tư cho 1 kg thanh long trung bình 10.000 đồng. Chính vì quá lỗ, mấy tháng nay, có nhiều chủ vườn thanh long dự định đốn bỏ, trồng cây khác như: mít, dừa... Tuy nhiên, phá thanh long, trồng cây khác không phải chuyện dễ, vì thời gian, vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ các loại cây trồng mới là chuyện khó với nhà vườn”.

long-an-noi-co-12.000-ha-thanh-long-anh-thanh-phong.jpg
Nhà vườn thanh long. Ảnh Mỹ Tho

Trong 3 tháng qua, nhiều nhà vườn điêu đứng vì nhiều lúc thu hoạch, thị trường xuất khẩu thì hạn chế, thị trường trong nước “đứng im” do giãn cách chống dịch. Giá thanh long lúc thấp chỉ từ 1.000-3.000 đồng/kg. Một số thanh long được chính quyền và những người làm từ thiện xin hoặc mua giá rẻ cho người dân nơi giãn cách. Tình cảnh này làm cho nhà vườn bị “khủng hoảng tài chính”.

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, để giao dịch thuận lợi và hạn chế được rủi ro, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Cục Hải quan Lạng Sơn khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần ký kết hợp đồng, thỏa thuận thời gian giao hàng với đối tác bên phía nước bạn, trước khi làm thủ tục thông quan lô hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, nhìn chung tình hình dịch tại huyện Châu Thành và nhiều vùng xanh khác của tỉnh Long An vẫn đang được khống chế khá tốt. Việc bắt đầu sản xuất và xuất khẩu thanh long theo quy trình chống dịch cũng thực hiện tốt. Về giá xuất khẩu, hiện vẫn còn quá thấp. Nếu xuất khẩu giá từ 30.000 -50.000 đồng/kg, thì nông dân sản xuất mới có lời. Trái thanh long từ nhà vườn đến Trung Quốc, phải qua quá nhiều khâu, từ nhà vườn, phải qua khâu thu hoạch, đến khâu thương lái, đến khâu chủ vựa, đến khâu thương lái Trung Quốc và qua khâu vận tải và cuối cùng là khâu phân phối tại Trung Quốc. Quy trình này làm cho nhà vườn sản xuất thanh long bị đè qua nhiều khâu. Nếu giá thu mua thấp, họ là người lãnh đủ. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu vẫn là vấn đề phải làm trong thời gian tới, nếu muốn phát triển thanh long Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu thanh long duy trì, nhưng nhà vườn vẫn khốn khó