Các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các bộ, ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy.

Các bộ, ngành đang 'ôm' 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả

Trí Lâm | 19/09/2017, 16:48

Các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các bộ, ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy.

Trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của DNNN, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho biết, tính đến 25.8.2017 có 43 dự án của các doanh nghiệp thuộc các Bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu đấu tư không hiệu quả.

Theo đó, nhóm dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 8 dự án, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh là 15.464 tỉ đồng (chiếm 36% trong tổng mức đầu tư 42.744 tỉ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).

Nhóm dự án đầu tư dở dang, tạm ngừng hoạt động là 18 dự án, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản (5 dự án, tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 2.788 tỉ đồng), nông nghiệp (13 dự án, tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 900 tỉ đồng).

Nhóm dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành; chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi); thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch: 21 dự án.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả tại doanh nghiệp do các Bộ, ngành quản lý tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng (cảng biển, kho bãi), nông nghiệp (thuỷ sản, cao su, cà phê) hoặc đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng công suất nhà máy. Ngoài ra có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả đã được thanh lý, hoặc chuyển giao, thay đổi chủ đầu tư:

Đối với Bộ Quốc phòng, theo báo cáo tại Công văn số 7318/BQP-KHĐT, các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả thuộc nhóm đã đưa vào sản xuất, vận hành bao gồm: các dự án trồng cao su kém hiệu quả sang Lào, Campuchia thuộc Tổng công ty 15; các dự án nâng công suất khai thác than tại mỏ Đông Rì, mỏ Nam Khe Tam của Tổng công ty Đông Bắc.

Nhóm các dự án tạm dừng, dở dang chưa hoàn thiện đầu tư là các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như xây dựng khu đô thị của Công ty TNHH MTV Hà Thành; dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng của Tổng công ty Thành An tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Hà Nội; dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunshine Hill I và Sunshine Hill II của Tổng công ty Thái Sơn.

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 27 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (11 dự án), Tổng công ty Cà phê (13 dự án), Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long (3 dự án), với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 909,76 tỉ đồng, tập trung chủ yếu vào các nhóm là nhóm dự án đã tạm dừng hoạt động (13 dự án), nhóm dự án đang sản xuất, vận hành nhưng thua lỗ (8 dự án).

Ở Bộ Giao thông vận tải có 2 doanh nghiệp có các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, giai đoạn từ 2000 đến 2010, SBIC có khoảng 700 dự án đầu tư, trong đó có 238 dự án đã có quyết định đầu tư từ cấp có thẩm quyền. Hiện nay, SBIC đang thực hiện Đề án tái cơ cấu theo Quyết định số 1224/QĐ-TTG ngày 26.7.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Bộ Giao thông vận tải không báo cáo cụ thể về các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả của SBIC theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, có 3 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là: Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.177,7 tỉ đồng. Dự án đã dừng thực hiện từ năm 2012 và hiện đang làm thủ tục bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam; Dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Cui có tổng mức phê duyệt sau cùng là 829,8 tỉ đồng, lợi nhuận đạt thấp hơn rất nhiều so với dự án được phê duyệt; dự án đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư phê duyệt sau cùng là 352,95 tỉđồng, dự án bị thua lỗ từ khi đưa vào khai thác.

Về công ty con - Công ty TNHH MTV Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines): Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.490 tỉ đồng. Dự án bắt đầu thực hiện đầu tư từ năm 2008, đến hết tháng 4.2017 Vinalines đã hoàn thành công tác thoái vốn và thu về một phần vốn đã đầu tư, tương đương 81,787 tỉ đồng.

Công ty con – Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông (thuộc Vinalines) có 2 dự án đóng mới tàu container, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 1.140,66 tỉ đồng. 2 dự án hiện đang lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, với tổng số lỗ luỹ kế là 1.608 tỉ đồng.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
14 phút trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các bộ, ngành đang 'ôm' 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả