Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị gì cho tiến trình hồi phục kinh tế của Việt Nam?

Lam Thanh | 06/12/2021, 10:15

Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Nâng cao hoạt động của doanh nghiệp lẫn chính phủ

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế, đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vắc xin ngừa COVID-19, cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch.

Chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế. Đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu.

Ngoài ra, Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay. Hiện danh mục đầu tư có rất nhiều dự án có tên nhưng chưa có thiết kế chi tiết, chưa có nghiên cứu khả thi để triển khai.

Bà Carolyn Turk cũng nhấn mạnh cần cân nhắc về tính hiệu quả không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động chính phủ. Một cách để đạt được mục tiêu này là cân nhắc việc áp dụng các cơ chế số hóa mới để đạt được hiệu quả cao hơn.

carolyn.jpeg
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Theo bà Carolyn Turk, về phía Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực như quá trình phê duyệt đã được số hóa, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự đạt được mục tiêu hợp lý và hiệu quả nhất.

Cùng lúc đó, Chính phủ cũng cần tính tới việc đầu tư cho các doanh nghiệp. Việc này nhằm giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới, nhằm giúp cho Việt Nam giữ được vị thế tiên phong trong mặt trận đổi mới và công nghệ, bởi khu vực tư nhân sẽ là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.

Khuyến nghị tiếp theo, đại diện của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam nên cân nhắc tới tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, cho người dân.

“Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp. Chúng ta có thể cân nhắc việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này. Tuy nhên, để các gói hỗ trợ hiệu quả thì chúng ta cần quy trình thực hiện mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể, rõ ràng”, bà Carolyn Turk nêu.

Đầu tư công và cơ sở hạ tầng là xương sống của nền kinh tế

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng giải pháp về y tế và sức khỏe được coi là giải pháp quan trọng nhất. Ngoài ra, Việt Nam cũng quản lý nợ công cẩn trọng và chặt chẽ, mở rộng về tài khóa. Có nhiều dư địa cho việc thuyết phục vay vốn và phục hồi.

Để phục hồi, cần có nhiều gói kích cầu và kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, cùng với đó là việc cải cách thuế, chi tiêu ngân sách, huy động nguồn lực. Đồng thời, các ngân hàng tham gia rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của khu vực, trong khi đó nhu cầu của Việt Nam rất lớn. Đầu tư công và cơ sở hạ tầng là xương sống của nền kinh tế.

“Vậy làm thế nào để tạo nguồn lợi về kinh tế cho các địa phương, cho cả nước? Làm thế nào để đưa ra những lợi nhuận về tài chính cho nhà đầu tư và người dân? Đó là những vẫn đề cần phải quan tâm”, ông Andrew Jeffries nói.

andrew.jpg
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (giữa) phát biểu

Chuyên gia này cũng cho rằng chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng trong phục hồi sau đại dịch. Do đó, cần cơ sở hạ tầng để vụ cho chuyển đổi số; có giải pháp quan trọng để thu hút được đầu tư trong lĩnh vực này; bổ trợ về đầu tư, đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp cấp địa phương. Tất cả những nỗ lực này trong thời gian dài sẽ đóng vai trò tiếp tục nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Ông Patrick Lenain - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng.

So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách còn ít và bị trì hoãn ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Điều này dẫn đến sự phục hồi kinh tế thất bại, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn. Nếu không nhận được đủ sự hỗ trợ, nhiều công ty sẽ phá sản, các kế hoạch đầu tư không được triển khai, công nhân mất việc làm, trẻ em không được đến trường.

Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi triển khai các gói hỗ trợ lớn đã vận hành rất tốt. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã hai lần nâng trần nợ công, từ 55% lên 65% GDP. Nước này đã tung ra các gói cứu trợ khổng lồ, có quy mô lên tới hơn 35% GDP, giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Theo chuyên gia này, chi tiêu công nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy việc lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt là điều cần thiết. Hầu hết các chính phủ đều đang tìm cách xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch, hay nói cách khác, họ muốn đầu tư cho tương lai. Ví dụ, điều này có nghĩa là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng số, để tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ như thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Ông Patrick Lenain cho rằng đầu tư công cũng phải tính tới vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon, ví dụ như tạo ra nhiều điện năng hơn từ các tua bin gió, các tấm pin mặt trời, khí sinh học và sinh khối, thay vì điện than.

patric.jpeg
Ông Patrick Lenain - Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trao đổi ý kiến

Ngoài ra, ông Patrick cũng chia sẻ rằng đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng cũng là điều cần thiết. “Sau đại dịch, chúng ta sẽ không trở lại với những công việc như cũ. Việt Nam sẽ cần ngày càng nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe được trả lương tốt hơn, nhiều chuyên gia kỹ thuật số hơn và nhiều chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng hơn. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khó khăn hơn, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Patrick Lenain nhấn mạnh.

Cải cách cần quyết liệt hơn

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng quy mô các biện pháp hỗ trợ tài khóa ở các nền kinh tế phát triển có thể không áp dụng được ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các hỗ trợ chính sách cần được tinh chỉnh dựa trên tình hình phát triển kinh tế cũng như diễn tiến dịch bệnh ở từng nước.

imf-2.jpeg
Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam phát biểu

Ngoài ra, các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội cần đi kèm với các hỗ trợ về mặt chính sách cần thiết, kịp thời cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề - nhất khi chúng ta hướng tới việc mở cửa trở lại. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tiến trình hồi phục đang được triển khai hiệu quả, cần tập trung vào tăng trưởng bền vững, tạo sức chống chịu cao.

Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như: tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud cho rằng mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài liên quan
Doanh số iPhone ở Trung Quốc giảm 33% vào tháng 2, chuyên gia đoán điều tồi tệ sẽ tiếp diễn với Apple
Doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm khoảng 33% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, kéo dài sự sụt giảm nhu cầu với thiết bị hàng đầu tại thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Apple.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị gì cho tiến trình hồi phục kinh tế của Việt Nam?