TS Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. Các nước phục hồi rất nhanh theo hình chữ V nhưng Việt Nam có vẻ như đang là chữ U.

TS Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất

Lam Thanh | 30/11/2021, 15:53

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. Các nước phục hồi rất nhanh theo hình chữ V nhưng Việt Nam có vẻ như đang là chữ U.

Lo ngại tình trạng doanh nghiệp “xác sống”

Tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, có 2 vấn đề quan trọng là dư địa thời gian và năng lực hấp thụ.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Hiếu quan ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng “zombie”, tức là những doanh nghiệp không có khả năng tồn tại ngay cả khi được trợ cấp. Họ cố gắng kéo dài tình trạng “xác sống”, "hưởng trợ cấp được đồng nào tốt đồng đấy" trước khi rút khỏi thị trường. Ông Hiếu lo ngại nhất là khoản vay không đi vào đúng đối tượng.

“Để giảm tác động của khoản vay không đúng đối tượng thì người ta phải cải cách thể chế, tạo ra sự sàng lọc mạnh mẽ, làm mới lại các khu vực doanh nghiệp. Phương châm là không gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới. Theo đó, cần tiếp tục xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này tạo ra sự đào thải trong doanh nghiệp. Đồng thời, phải sử dụng các biện pháp thị trường, tránh hành chính hóa”, ông Hiếu nêu.

phan-hieu.jpg
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định rằng trong đại dịch, Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. Các nước coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc, vì thế nó xuống rất nhanh và phục hồi rất nhanh theo hình chữ V. Việt Nam có vẻ như đang là chữ U chứ không phải chữ V.

Theo ông Nghĩa, Việt Nam có thể gặp cả vấn đề về cấu trúc chứ không đơn thuần là tai nạn y tế. “Điều đó cũng đúng vì chúng ta đang trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế và chưa đâu vào đâu. Điều này chứng tỏ Việt Nam ngoài bị COVID-19 thì còn bị 'bệnh nền' nên phục hồi chậm hơn”, ông Nghĩa nêu.

“Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi kinh tế nhanh. Hầu hết chúng ta mới có các gói gián tiếp, loay hoay ở việc giãn, hoãn tài khóa, tiền tệ, chứ chưa có gói tài lực trực tiếp nào, hoặc có nhưng cũng không đáng kể, nhìn chung chưa tới 1% GDP”, ông Nghĩa nói.

Điều quan trọng hơn, theo ông Nghĩa, chính sách có vẻ lúng túng. Chính sách tài khóa 2021 không có mục nào là chống COVID-19. “Cả giai đoạn tới đây cũng không có mục nào là tài chính dành cho COVID-19 cả, mà chỉ dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều đó cho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước. Cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để xử lý vấn đề như trong tình trạng khẩn cấp, nên chúng ta lúng túng thực sự”.

Không nên kéo ngân hàng thương mại vào các cuộc khủng hoảng

Cũng theo ông Nghĩa, các nước quan niệm việc kéo hệ thống ngân hàng thương mại vào các chương trình kích thích là điều nguy hiểm. Ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất trong tất cả các doanh nghiệp, bởi họ kinh doanh bằng vốn của người khác. Vì vậy kéo họ vào các gói kích thích khiến bảng cân đối tài sản của họ xấu đi.

“Do đó, trong các cuộc khủng hoảng dù là cấu trúc hay thảm họa, người ta không kéo ngân hàng thương mại vào cuộc. Trong khi đó, Việt Nam vừa kéo, vừa vận động họ vào. Tôi nghĩ tốt nhất là không nên, còn nếu làm thì phải thay đổi”, ông Nghĩa nêu.

Ông Nghĩa cho biết năm 2009, Việt Nam đã tài trợ 2-3% lãi suất, tổng số tiền đưa ra lúc đầu là 1 tỉ đô la Mỹ (khoảng 18.000 tỉ đồng). Sau đó thực hiện khoảng 14-15 nghìn tỉ đồng, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao, kéo theo lạm phát tăng vọt. Đây là cách làm không đạt hiệu quả như mong muốn.

le-nghia.jpg
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Do đó, theo ông Nghĩa, phải kiên quyết đạt được các nguyên tắc: Một là không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các doanh nghiệp vay đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng, làm méo mó lãi suất ngân hàng, đó là điều tối kỵ.

Như vậy sẽ giải quyết được việc vay chỗ này rẻ để đem cho vay nơi khác lãi suất cao hơn; không kéo dài về kế toán, kiểm toán, xử lý tài chính; không làm méo mó lãi suất thị trường và không làm ảnh hưởng đến các ngân hàng thương mại.

“Nếu không cẩn thận có thể chúng ta lại đi ngược dòng với thế giới khi họ rục rịch tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm”, ông Nghĩa nêu.

Ông Nghĩa cũng chia sẻ: “Tôi nghiên cứu một số nước thì không thấy có gói hỗ trợ lãi suất, trong khi các gói kích cầu của họ rất lớn. Ví dụ Nhật Bản lên gần 70% GDP, Mỹ trên 30% GDP, châu Âu cũng trên 20% GDP, còn Trung Quốc và Thái Lan rơi vào 10% GDP.

Họ bổ sung cho ngân sách để chi tiêu an sinh xã hội, giữ lực lượng lao động. Đây là mục tiêu ngắn hạn quan trọng nhất. Họ tuyên bố lao động ai ở đâu thì ở yên đó, được trả 80% lương. Do đó họ phục hồi lao động rất nhanh, còn ở ta thì lao động được hỗ trợ rất ít”.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết các nước cho các doanh nghiệp trụ cột vay trực tiếp từ ngân sách. Ngân hàng thương mại không đủ tiềm lực cho họ vay. Nhưng chúng ta thì ngân hàng thương mại cho vay, dù tiền này là Ngân hàng Trung ương cho ngân hàng thương mại vay.

Tiếp theo, Chính phủ trực tiếp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để các doanh nghiệp này vẫn vay được vốn ngân hàng. Nếu chúng ta cứ giãn và hoãn thì doanh nghiệp cũng có dòng tiền vào đâu mà thanh toán được nợ? Chúng tôi khảo sát 5 tập đoàn lớn của Việt Nam thì dòng tiền bán hàng đều âm, chưa nói doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề lớn nhất trong cuộc khủng hoảng là dòng tiền, chứ báo cáo kết quả kinh doanh lợi nhuận rất cao, lãi dự thu rất lớn nhưng tiền có thu được đâu?

“May cho Việt Nam là thị trường chứng khoán vừa rồi bùng nổ, tạo ra dòng tiền rất lớn cho các doanh nghiệp niêm yết, bổ sung vào dòng tiền đầu tư đang âm. Nếu không thì Việt Nam có vài doanh nghiệp phá sản như Trung Quốc chứ không ít”.

Cũng theo ông Nghĩa, ở một số nước châu Á, Chính phủ còn mạnh tay bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp đã và sẽ phát hành, vì họ sợ thị trường trái phiếu này bất ổn, làm phá hỏng thị trường.

“Họ làm rất bài bản, đi thẳng vào vấn đề để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, còn Việt Nam dường như chưa có mục nào cho vấn đề này”, ông Nghĩa nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất