Trước ý kiến lo ngại về gói hỗ trợ mới sẽ ảnh hưởng đến nợ công, bội chi, nhiều chuyên gia cho rằng bối cảnh đặc biệt cần cơ chế, chính sách đặc biệt.

Phục hồi kinh tế: Bối cảnh đặc biệt thì cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt

Lam Thanh | 03/12/2021, 17:28

Trước ý kiến lo ngại về gói hỗ trợ mới sẽ ảnh hưởng đến nợ công, bội chi, nhiều chuyên gia cho rằng bối cảnh đặc biệt cần cơ chế, chính sách đặc biệt.

Trả lời báo chí về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay.

Theo ông Phương, về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

“Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH-ĐT cho rằng 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch”, ông Phương nói.

Liên quan đến "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", về thời gian, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng chương trình phục hồi kinh tế cần quan tâm đến sự hồi phục của nền kinh tế trong năm nay đến đâu, các gói hỗ trợ trước đã thực hiện thế nào và có tác dụng ra sao. Tiếp theo, cần xem xét khả năng hấp thụ của nền kinh tế đến đâu để có gói hỗ trợ phù hợp.

"Có nhiều gói hỗ trợ hiện chúng ta vẫn chưa chi hết. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế chưa tốt thì rất khó thực hiện hiệu quả các gói mới", ông Thịnh nói.

kt-3.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh 

Theo ông Thịnh, từ năm 2016 đến nay Việt Nam đã nỗ lực giảm nợ vay nước ngoài rất nhiều. Năm ngoái, mức trả nợ đã chiếm 27,3% tổng thu ngân sách nhà nước, vượt ngưỡng Quốc hội cho phép. Bộ Tài Chính cũng cố co kéo về 24,8%, tức là về dưới 25% tổng thu ngân sách nhưng 25% cũng đã là 1/4 tổng số thu ngân sách rồi, còn tiền đâu mà làm việc khác?

“Cũng như một số trường hợp được đền bù đất. Đền ít thì không vui mà đền nhiều thì con cái hư hỏng, vung tay tiêu không tiếc. Chúng ta đi vay cũng thế, quan trọng là sử dụng vào đâu, nền kinh tế có hấp thụ được hay không mới là vấn đề quan trọng”, ông Thịnh nêu.

Tại họp báo về chương trình ''Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021”, trước ý kiến lo ngại về gói hỗ trợ lần này sẽ ảnh hưởng đến nợ công, bội chi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng bối cảnh đặc biệt cần cơ chế, chính sách đặc biệt.

Theo đó, gói hỗ trợ này sẽ nằm ngoài các chính sách đã được Quốc hội thông qua như kế hoạch tài chính, ngân sách, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 5 năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng gói này chỉ tập trung thực hiện nhanh, lan tỏa, tích cực trong 2 năm tới (2022 - 2023), và mỗi năm bội chi có thể tăng thêm 1% GDP và theo tính toán với mức tăng này sẽ vẫn bảo đảm an toàn nợ công, nợ chính phủ.

Ngoài ra, theo ông Thanh, gói hỗ trợ cũng cần bảo đảm yêu cầu kết hợp các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ gắn với các kế hoạch vay trả nợ công, kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn; cơ cấu lại nền kinh tế...

Về độ lớn, độ dài của gói hỗ trợ, ông Thanh chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế thì tài khoá 65%, còn tiền tệ 35%. Ở Việt Nam thì chính sách vừa qua với tổng quy mô khoảng 4%GDP có cơ cấu tài khóa 72% và tiền tệ 28%, như vậy cũng gần với quốc tế.

Về nguồn của gói hỗ trợ, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh đây là vấn đề phải cân nhắc, trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo cả sức hấp thụ của nền kinh tế.

“Không sợ tăng trần nợ công, quan trọng là sử dụng hiệu quả, đưa vào đâu, mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là vấn đề quan trọng”, ông Thanh nêu rõ, và nhấn mạnh phải có chương trình quản lý rủi ro, tránh trục lợi chính sách, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm ở gói hỗ trợ này.

kt-1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết gói hỗ trợ phải có đủ quy mô mới đủ tác dụng, đủ lượng mới đạt mục tiêu về chất, song quy mô ở mức độ nào cần phải tính toán thêm. Hiện nay nước ta còn một số lĩnh vực còn không gian để tận dụng phát triển như trần nợ công và qua tính toán, quy mô gói hỗ trợ có thể từ 6 - 8% GDP.

Nhấn mạnh những vấn đề xã hội phải tính đến là rất nhiều, không thể chỉ xác định khủng hoảng kinh tế thì chỉ có giải pháp kinh tế mà phải là kinh tế và xã hội. Do đó, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng cần rà soát lại các trọng tâm và xác định các mục tiêu trong ngắn hạn để giải quyết trước mắt và mục tiêu trung và dài hạn, rà soát các trụ cột, động lực cho tăng trưởng bảo đảm khôi phục tăng trưởng.

Theo đó, trong ngắn hạn cần hỗ trợ doanh nghiệp là trước nhất. Trong đó có hỗ trợ bằng công cụ tài chính, giảm thuế phí, giảm các nghĩa vụ cho doanh nghiệp hoặc cơ cấu lại nợ, tái cơ cấu các trách nhiệm tài chính để doanh nghiệp có thể phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận tín dụng là rất quan trọng. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận thông tin và thị trường lao động, các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp…

Đối tượng cần hỗ trợ thứ 2 là người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh, người lao động chuyển dịch, trở về quê làm đứt gãy các chuỗi cung ứng thì cần phải phục hồi. Vì vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động, tuyển dụng lao động, đảm bảo các điều kiện cho người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra cũng cần chú ý đến đào tạo lại.

kt-2.jpg
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn

Về mục tiêu trung hạn và dài hạn, ông Bùi Quang Tuấn cho rằng cần quan tâm đến các trụ cột của tăng trưởng, bảo đảm về vốn, công nghệ cao gắn với kinh tế số. Đây là những đột phá có thể sử dụng trong bối cảnh phục hồi. Lưu ý rằng cần sử dụng nguồn lực để giúp vận hành nền kinh tế tăng trưởng cao, thu hẹp và bắt kịp khoảng cách tăng trưởng của thế giới.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần rà soát các động lực của tăng trưởng như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số bởi đây là cơ hội để tăng trưởng nhanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi kinh tế: Bối cảnh đặc biệt thì cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt