Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các địa phương ven biển như Đà Nẵng, Quảng Bình, Kiên Giang… đã sẵn sàng các phương án ứng phó.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang áp sát bờ biển khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và dự báo đi vào đất liền trong chiều nay, tiếp tục gây mưa lớn kéo dài cho miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các địa phương ven biển đã sẵn sàng phương án ứng phó.
Ngày 15.7, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng ban hành Công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn trên địa bàn.
Theo đó, Ban chỉ huy đề nghị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố, UBND các quận ven biển, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng và các đơn vị có liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động phòng tránh.
Bộ chỉ huy BĐBP thành phố chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, ngập đô thị, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Đặc biệt, lưu ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ ngập lụt, ngập đô thị, sạt lở, lũ quét; chú ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và các khu vực ngập nước trong đô thị, đồng thời tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo kiểm tra, triển khai khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường và tuyến thoát thuộc phạm vi quản lý. Tổ chức vận động người dân vùng ngập chủ động kê cao tài sản, khơi thông, cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.
Tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp bảo đảm an toàn người và tài sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do mưa lớn, ngập lụt, sạt lở,… có thể xảy ra.
Công an TP. Đà Nẵng được yêu cầu sẵn sàng tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá,… không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm.
Tỉnh Quảng Bình: Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, lên phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn theo phương châm "4 tại chỗ." Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất; chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý đối với khu vực sạt lở có nguy cơ cao như: thôn 1 Thanh Long, thôn 3 Thanh Long, tiểu khu 4 và tổ dân phố 3 (Thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa); thôn Liên Sơn, bản Đá Chát, Thượng Sơn, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); công trường thi công đường dây 500KV Quảng Trạch-Quỳnh Lưu đoạn qua tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế: Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây ngập úng cục bộ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi từ chiều 14.7, bao gồm cả tàu bãi ngang và thuyền du lịch.
Đến chiều ngày 14.7, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 51 phương tiện/432 lao động đang hoạt động trên biển, các đơn vị đã kêu gọi, thường xuyên đôn đốc các phương tiện này vào nơi trú ẩn an toàn.
Tại tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, TP.Phú Quốc (Kiên Giang) có mưa lớn kéo dài gây ngập sâu. Công an TP.Phú Quốc cho biết đơn vị đã huy động hơn 70 cán bộ chiến sĩ cùng trang thiết bị, phương tiện, khẩn trương phối hợp chính quyền địa phương sơ tán, cứu hộ người dân và tài sản bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Hồi 7 giờ sáng nay (15.7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hôm nay (15.7), nhiều khu vực trên cả nước tiếp tục có mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to hơn 200mm. Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trước diễn biến của Áp thấp nhiệt đới, các địa phương ven biển đã sẵn sàng các phương án ứng phó.