Tại “Chương trình Hội thảo Kết nối đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo - Hướng đến TECHFEST Việt Nam 2019” (ngày 22.9 tại Hà Nội), theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (NATEC), Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển các dự án khởi nghiệp đủ tầm vươn ra toàn cầu.
Những dự án gần nhất của người Việt được đánh giá cao của các nhà đầu tư Mỹ là Medlink hay VVN AI,Emmay, Tubudd, Smilee Vietnam, Oxtale, No Spilled Milk, TiMobile và Graam… đều giành thứ hạng cao trong đêm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge 2019 diễn ra mới đây tại Đại học Boston (Hoa Kỳ).
Minh chứng cho lời khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển các dự án khởi nghiệp đủ tầm vươn ra toàn cầu”, ông Quất cũng dẫn chứng việc NATEC vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Pegasus Tech Venture (đơn vị tổ chức Startup World Cup) và Ai20X (Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tại Silicon Valley) nhằm kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với toàn cầu để cho thấy cơ hội cho các startup là rất mở.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn gần đây. Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ tập trung tại Hà Nội hay TP.HCM mà còn lan tỏa tới khắp các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ (Techfest Đông Nam Bộ), lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 23.9, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy khẳng định luôn coi doanh nghiệp là một trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Vì thế, Thứ trưởng mong rằng các cơ quan nhà nước, sở ngành các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tạo điều kiện cho các startup kết nối với các Viện, Trường đại học để tăng cường hoạt động nghiên cứu, biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại. Các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ tham gia vào hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho những doanh nghiệp mới và hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tại Techfest Đông Nam Bộ, các startup tham gia sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ các nhà đầu tư, cơ hội tham gia Techfest quốc gia và toàn cầu. Tại sự kiện Startup World Cup năm 2019, dự án Abivin của Việt Nam (từng vô địch Techfest quốc gia năm 2018) đã xuất sắc vượt qua nhiều dự án khởi nghiệp đến từ 40 quốc gia để giành Giải Nhất với số tiền đầu tư lên tới 1 triệu USD.
Trong khuôn khổ Hội thảo Kết nối đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã phối hợp với Terato, Vstartup... phát động cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng trong hệ sinh thái 4.0 - Startup 4.0 Ecosystem” dành cho thanh niên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trong và ngoài nước, các cá nhân, tổ chức nước ngoài đang có dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.
Cuộc thi ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực như thành phố thông minh, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, nông nghiệp thông minh, giáo dục thông minh… Bằng việc giới thiệu chung về sản phẩm, dịch vụ sẽ thực hiện, mô hình doanh nghiệp hướng đến, quy mô dự án… BTC sẽ lựa chọn ra 10 đội vào vòng thuyết trình.
Giải thưởng của cuộc thi sẽ bao gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba với giá trị giải thưởng lần lượt là 30 triệu, 20 triệu và 10 triệu đồng/giải kèm giấy chứng nhận của BTC. Ngoài ra, BTC cũng sẽ trao giải sáng tạo, giải tiềm năng, giải triển vọng với giá trị giải thưởng là 8 triệu đồng/giải kèm giấy chứng nhận.
Thời gian nhận hồ sơ từ nay tới 15.10 và công bố giải thưởng dự kiến vào 25.11.