Các hãng công nghệ Mỹ theo đuổi nguồn điện do một số hãng khai thác Bitcoin nắm giữ, khi họ chạy đua để đảm bảo nguồn cung điện ngày càng thu hẹp cho các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) đang được mở rộng nhanh chóng.
Thế giới số

Các hãng công nghệ lớn Mỹ theo đuổi nguồn điện do một số hãng khai thác Bitcoin nắm giữ

Sơn Vân 28/08/2024 22:22

Các hãng công nghệ Mỹ theo đuổi nguồn điện do một số hãng khai thác Bitcoin nắm giữ, khi họ chạy đua để đảm bảo nguồn cung điện ngày càng thu hẹp cho các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) đang được mở rộng nhanh chóng.

Các trung tâm dữ liệu đó đang thúc đẩy nhu cầu dùng điện của Mỹ nhanh nhất kể từ đầu thiên niên kỷ, vượt xa việc mở rộng lưới điện và khiến một số hãng công nghệ khổng lồ như Amazon, Microsoft phải tìm kiếm lượng điện khổng lồ.

Cuộc tranh giành điện này đang làm chấn động ngành khai thác tiền điện tử vốn tiêu tốn nhiều năng lượng.

Một số hãng khai thác Bitcoin đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ khi cho thuê hoặc bán cơ sở hạ tầng và địa điểm được kết nối với nguồn điện của họ cho các hãng công nghệ. Trong khi đó, những hãng khác đang mất quyền tiếp cận nguồn điện cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh.

"Giành quyền thống trị trong lĩnh vực AI là cuộc chiến giữa các công ty lớn nhất và có vốn hóa nhiều nhất trên thế giới. Các công ty coi trọng việc chiến thắng như thể sinh mạng của họ phụ thuộc vào điều đó. Họ có quan tâm đến số tiền phải trả cho điện năng không? Có lẽ là không", theo Greg Beard, Giám đốc điều hành Stronghold Digital Mining - công ty khai thác Bitcoin niêm yết công khai.

Các trung tâm dữ liệu có thể sử dụng tới 9% tổng lượng điện được tạo ra ở Mỹ cuối thập kỷ này, tăng gấp đôi mức tiêu thụ hiện tại của họ. Lý do vì nhiều hãng công nghệ đổ tiền vào việc mở rộng các trung tâm điện toán của họ, Viện Nghiên cứu Điện năng cho biết vào tháng 5.

Hiện tại, các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 1% - 1,3% lượng điện tiêu thụ toàn cầu, so với khoảng 0,4% do khai thác tiền điện tử, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Sự chênh lệch đó dự kiến ​​sẽ tăng lên.

Các nhà phân tích dự kiến ​​20% công suất điện khai thác Bitcoin sẽ chuyển sang AI vào cuối năm 2027. Trong năm qua, các hãng khai thác Bitcoin và chủ sở hữu trung tâm dữ liệu AI ngày càng cạnh tranh để có cùng một tài sản và hợp đồng điện, theo hãng tin Reuters.

Marathon Digital Holdings, công ty khai thác Bitcoin được giao dịch công khai lớn nhất thế giới, nằm trong số những hãng đang để mắt đến một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân do Talen Energy sở hữu tại bang Pennsylvania (Mỹ), hai nguồn tin thân cận cho biết.

Talen Energy là công ty sản xuất điện độc lập được thành lập vào năm 2015. Công ty này được hình thành khi phần hoạt động sản xuất điện cạnh tranh của PPL Corporation được tách ra và ngay lập tức kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện cạnh tranh khác do công ty cổ phần tư nhân Riverstone Holdings sở hữu.

Marathon Digital Holdings nói: "Chúng tôi luôn sẵn sàng nói chuyện với bất kỳ ai muốn bán một trung tâm dữ liệu", nhưng không xác nhận mối quan tâm cụ thể đến địa điểm nào. Với vốn hóa thị trường lớn hơn Marathon Digital Holdings hơn 350 lần, Amazon đã mua trung tâm do Talen Energy sở hữu trong một thỏa thuận được công bố vào tháng 3 và đảm bảo đủ điện để cung cấp cho hầu hết ngôi nhà ở bang New Mexico (Mỹ).

cac-hang-cong-nghe-lon-my-theo-duoi-nguon-dien-nang-do-mot-so-hang-khai-thac-bitcoin-nam-giu.jpg
Các hãng công nghệ Mỹ theo đuổi nguồn điện do một số hãng khai thác Bitcoin nắm giữ, khi họ chạy đua để đảm bảo nguồn cung điện ngày càng thu hẹp cho các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây và AI đang được mở rộng nhanh chóng - Ảnh: Reuters

Sự quan tâm ngày càng tăng

Nhiều công ty khai thác Bitcoin lớn sở hữu đất đai và nguồn kết nối điện đang chuyển chiến lược từ đào loại tiền điện tử này sang tiếp thị tài sản và dịch vụ điện năng của họ cho các doanh nghiệp AI lẫn điện toán đám mây.

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ mọi người, từ Amazon đến Google", Kerri Langlais, Giám đốc chiến lược của TeraWulf - công ty khai thác Bitcoin có địa điểm ở vùng thượng New York (Mỹ) với khả năng cung cấp lượng điện năng lên tới 770 MW.

Cơn sốt cơ hội kiếm tiền cho các công ty khai thác Bitcoin bắt đầu vào tháng 6. Thời điểm đó, hãng khai thác tiền điện tử Core Scientific, vừa ra khỏi tình trạng phá sản, trở thành công ty đầu tiên công bố thỏa thuận lớn để cho CoreWeave (được Nvidia hỗ trợ) thuê các cơ sở đã kết nối điện của mình trong các hợp đồng ước tính trị giá hơn 6,7 tỉ USD/12 năm.

Một số công ty khai thác Bitcoin kể từ đó tuyên bố sẽ cho thuê hoặc đóng vai trò là nhà thầu phụ để phát triển các trung tâm dữ liệu AI. Các trung tâm dữ liệu mới, thường chỉ có công suất khoảng 20 MW, nay được xây dựng lên tới 1.000 MW. Tuy nhiên, thời gian chờ để kết nối các trung tâm dữ liệu này với nguồn cung cấp điện mới ở Mỹ có thể mất vài năm.

Với những hãng khai thác tiền điện tử có tài sản điện năng lớn, việc tái sử dụng hoạt động cho AI và điện toán đám mây có thể khiến cơ sở của họ có giá trị gấp 5 lần, theo nghiên cứu từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.

Morgan Stanley nhận định việc mua hoặc thuê không gian tại một công ty khai thác tiền điện tử với công suất ít nhất 100 MW có thể rút ngắn thời gian chờ để khởi động một trung tâm dữ liệu khoảng 3,5 năm, giúp các hãng công nghệ tiết kiệm hàng tỉ USD.

Tuy nhiên, một số hãng khai thác Bitcoin cho biết việc chuyển giao nguồn cung cấp điện và cơ sở hạ tầng cho các hãng công nghệ sẽ không diễn ra suôn sẻ với hầu hết mọi người.

"Hầu hết hãng khai thác Bitcoin đang nói sẽ làm về AI đều không thực sự biết họ đang làm gì", Zach Bradford, Giám đốc điều hành CleanSpark, nhận xét. Ông nói thêm rằng CleanSpark sẽ gắn bó với hoạt động khai thác tiền điện tử như hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Zach Bradford cho biết khoảng 90% các mỏ bitcoin của Mỹ có thể được xây dựng trong 6 đến 12 tháng, so với 3 năm cho một trung tâm dữ liệu, vốn phức tạp hơn.

Ông nói thêm rằng những mỏ đó sẽ phải được xây dựng lại để kết hợp các cấu trúc làm mát chuyên dụng và cơ sở hạ tầng khác để sử dụng cho AI hoặc điện toán đám mây.

Chi phí cao để xây dựng các trung tâm dữ liệu AI sẽ là rào cản với nhiều hãng khai thác tiền điện tử, phần lớn bị cấm tiếp cận vốn sau đợt giá Bitcoin giảm mạnh vào năm 2022, theo Sergii Gerasymovych - Giám đốc điều hành EZ Blockchain. EZ Blockchain là công ty cung cấp thiết bị và dịch vụ cho hoạt động khai thác tiền điện tử.

Năm nay, EZ Blockchain đã có dự án 10 MW đang được triển khai với một công ty tiện ích ở bang Nam Carolina (Mỹ). Thế nhưng, công ty tiện ích này ký hợp đồng 100 MW với hãng AI quy mô lớn.

Các công ty quy mô lớn, gồm cả những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, vận hành mạng lưới trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu khổng lồ.

Dù các chi tiết tài chính của thỏa thuận trung tâm dữ liệu AI vẫn chưa rõ ràng, Sergii Gerasymovych cho biết các công ty mà EZ Blockchain đang phải cạnh tranh có hàng tỉ USD vốn để sử dụng.

Gerasymovych cảm thấy rằng đối thủ của EZ Blockchain đang sử dụng nguồn tài chính rất lớn và sẵn sàng chi mạnh tay để nhanh chóng đạt được mục tiêu, làm cho việc cạnh tranh trở nên rất khó khăn vì nguồn lực tài chính của họ vượt trội.

Bài liên quan
‘Nhu cầu điện sẽ tăng vọt 900% ở Chicago do AI từ các trung tâm dữ liệu’
Theo Calvin Butler - Giám đốc điều hành hãng Exelon Corp, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thúc đẩy nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu ở khu vực Chicago (thành phố ở bang Illinois, Mỹ) tăng vọt 900%.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm CH Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Rạng sáng 16.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil và thăm Cộng hòa Dominicana.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng công nghệ lớn Mỹ theo đuổi nguồn điện do một số hãng khai thác Bitcoin nắm giữ