Không chỉ đem đến triển vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường, vắc xin COVID-19 còn tạo ra một thị trường toàn cầu tỉ đô.

Các hãng dược kiếm được bao nhiêu từ vắc xin COVID-19?

Cẩm Bình | 08/03/2021, 09:08

Không chỉ đem đến triển vọng đưa cuộc sống trở lại bình thường, vắc xin COVID-19 còn tạo ra một thị trường toàn cầu tỉ đô.

Hai đơn vị dẫn đầu cuộc đua kiếm lời từ vắc xin COVID-19 là Pfizer và Moderda với giá mỗi liều từ 30 USD trở lên, một số hãng dược khác như AstraZeneca, Johnson & Johnson thì cam kết cung cấp sản phẩm trên cơ sở phi lợi nhuận cho đến lúc đại dịch chấm dứt.

Tương lai dài hạn của thị trường phụ thuộc vào việc liệu vắc xin COVID-19 chỉ cần tiêm một lần hay phải tiêm lại định kỳ như vắc xin bệnh sởi. Nhưng hiện tại các đơn vị sản xuất lẫn người sở hữu cổ phiếu của họ vẫn có thể thu về một khoản lớn.

Pfizer/BioNTech

Vắc xin do Pfizer hợp tác BioNTech phát triển sử dụng RNA thông tin (mRNA) kích hoạt phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.

Chính quyền các quốc gia đã đặt mua khoảng 780 triệu liều, trong đó: Mỹ 200 triệu liều, Liên minh châu Âu (EU) 300 triệu liều, 40 triệu liều dự kiến đến vài quốc gia thu nhập thấp hơn thông qua sáng kiến COVAX.

Giá tiêm 2 mũi vắc xin tại Mỹ là 39 USD, tại EU là 30 USD. Pfizer và BioNTech chia đều chi phí lẫn lợi nhuận.

00hfo-pfizer1-superjumbo.jpg
Nhiều nước phương Tây đang triển khai tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech - Ảnh: Getty Images

Pfizer ước tính thu về 15 tỉ USD trong năm 2021 dựa vào loạt thỏa thuận bán vắc xin hiện tại. Doanh thu năm nay có thể cao gấp đôi do hãng có thể cung cấp đến 2 tỉ liều.

Đặt giả định vắc xin COVID-19 chỉ cần tiêm 1 lần, nhà phân tích Carter Gould thuộc Ngân hàng Barclays dự đoán doanh thu Pfizer kiếm được qua các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 21,5 tỉ, 8,6 tỉ, 1,95 tỉ USD.

Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu Pfizer tăng 1,8% và cổ phiếu BioNTech tăng 156%. Hai nhà sáng lập BioNTech Ugur Sahin cùng Özlem Türeci đều trở thành tỷ phú nhờ thương vụ hợp tác với Pfizer khiến giá cổ phiếu tăng vọt.

Moderna

Vắc xin COVID-19 của Moderna cũng sử dụng mRNA, chỉ cần bảo quản ở -20 độ C.

Anh đã đặt hàng 17 triệu liều, EU mua 310 triệu liều với điều khoản thêm 150 triệu liều vào năm sau, Mỹ cũng nhanh tay đặt 300 triệu liều, Nhật Bản 50 triệu liều.

Giá tiêm 2 mũi vắc xin tại Mỹ là 30 USD, tại EU là 36 USD. Moderna ước tính thu về 18,4 tỉ USD năm nay.

Đặt giả định vắc xin COVID-19 cần tiêm định kỳ, theo nhà phân tích Gena Wang thuộc Barclays, doanh thu của Moderna qua các năm 2021, 2022, 2023 lần lượt là 19,6 tỉ, 12,2 tỉ, 11,4 tỉ USD.

Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu Moderna tăng 372%. Nhóm nhà đầu tư hỗ trợ công ty ngay từ ngày đầu thành lập nay thu được lợi ích đáng kể. Giám đốc điều hành Stéphane Bancel sở hữu 9% số cổ phần hiện trị giá gần 5 tỉ USD.

Johnson & Johnson

Vắc xin của Johnson & Johnson dùng vi rút AD26 gây bệnh cảm lạnh đã suy yếu để đưa vật liệu di truyền của vi rút gây COVID-19, chỉ cần tiêm 1 mũi và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn ít nhất 3 tháng.

Mỹ, Anh đều đã đặt 30 triệu liều với điều khoản thêm 22 triệu liều, EU đặt 400 triệu liều, còn 500 triệu liều được phân phối qua COVAX. Công ty đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 1 tỉ liều trong năm nay – đem lại 10 tỉ USD.

Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 7,7%.

AstraZeneca

Vắc xin của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford nhờ đến công nghệ tái tổ hợp vector vi rút kích thích hệ miễn dịch. Đơn đặt hàng lớn đến từ Anh 100 triệu liều, EU 400 triệu liều, Mỹ 300 triệu liều.

Ngân hàng đầu tư SVB Leerink dự báo AstraZeneca năm nay kiếm được 1,9 tỉ USD, và 3 tỉ USD vào năm sau. Doanh thu năm 2021 có thể cao hơn nếu hãng đạt mục tiêu 3 tỉ liều vắc xin.

AstraZeneca cam kết cung cấp vắc xin trên cơ sở phi lợi nhuận lúc đại dịch còn hoành hành. Giá cho 2 liều dao động từ 4,30 - 10 USD.

Tuy nhiên trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu AstraZeneca lại giảm 8,6%.

covid-coronavirus-koronavirus-vakcina-vaccine-oltas-astrazeneca.jpg
Vắc xin của AstraZeneca dễ bảo quản hơn so với những loại khác - Ảnh: The Sun

Sinovac

Vắc xin do Sinovac phát triển được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại vài thành phố ở Trung Quốc kể từ mùa hè năm ngoái. Hãng dược này cũng đạt được thỏa thuận bán hàng cho Brazil, Chile, Singapore, Malaysia, Philippines…

Hồi tháng 1 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia triển khai tiêm vắc xin của Sinovac. Hãng có kế hoạch cung cấp sản phẩm thông qua COVAX.

Sinovac tuyên bố đủ sức sản xuất hơn 1 tỉ liều trong năm nay. Giá cho 2 mũi tiêm ở nội địa Trung Quốc là 60 USD, nhưng phía Indonesia lại phân phối chỉ với 27,2 USD.

Trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu Sinovac giảm 21,6%.

Viện Nghiên cứu Gamaleya/Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF)

Dù giới chức y tế EU chưa cấp phép cho vắc xin Sputnik V được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya, nhưng Hungary và Slovakia đều đã mua hàng. Tổng cộng hơn 50 quốc gia đã đặt mua (Iran, Algeria, Mexico…). AstraZeneca đang thử nghiệm tiêm kết hợp sản phẩm của họ với Sputnik V.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tháng trước tuyên bố ký hợp đồng sản xuất 1,4 tỉ liều vắc xin với 15 đơn vị ở 10 quốc gia. Người dân Nga được tiêm miễn phí, nhưng ở nước ngoài 2 liều Sputnik V sẽ có giá từ 20 USD trở xuống.

Novanax

Vắc xin của Novanax sử dụng một phần nhỏ protein gai của vi rút gây COVID-19. Công ty đạt thỏa thuận cung cấp 300 triệu liều cho nhiều nước khác nhau.

Họ hy vọng sản xuất được 150 triệu liều mỗi tháng với giá rẻ hơn không ít đối thủ. Trang The Financial Times cho biết Novavax đã đồng ý thu 3 USD/liều tại châu Phi.

Novanax ước tính sẽ đạt doanh thu vài tỉ USD trong vòng 12 năm tới. Con số này có thể tăng lên vì công ty đủ sức nâng sản lượng lên 2 tỉ liều/năm kể từ giữa năm 2021.

Trong 12 tháng qua, cổ phiếu Novanax tăng 1,128%. Bên thu lời lớn nhất chính là những quỹ đầu tư Vanguard và BlackRock.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng dược kiếm được bao nhiêu từ vắc xin COVID-19?