Nhiệt độ ấm và mưa lớn đã đổ xuống phía bắc dãy Alps vào đầu tuần qua đã cuốn trôi phần lớn tuyết vừa rơi trong những tuần trước.

Các khu nghỉ mùa đông khóc ròng vì tuyết không chịu rơi

Anh Tú | 19/11/2023, 18:20

Nhiệt độ ấm và mưa lớn đã đổ xuống phía bắc dãy Alps vào đầu tuần qua đã cuốn trôi phần lớn tuyết vừa rơi trong những tuần trước.

Cuối tuần qua, một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên cao của Pháp đã mở cửa trước lịch trình, chỉ vài ngày sau khi các cơn bão ở phía bắc dãy Alps sớm quét sạch một phần tuyết.

truotuyet.jpg
Hoạt động thể thao, giải trí mùa đông sẽ không còn dễ dàng trong tương lai khi tuyết không chịu rơi do biến đổi khí hậu

Muốn thấy tuyết phải leo lên độ cao 2.500 mét

Tignes và Val Thorens có nhiều đường trượt ở độ cao trên 2.000 mét, là những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đầu tiên mở cửa. Khu Bessans mở vào ngày 4.11 trong khi Les Saisies cũng làm điều tương tự hôm 18.11, nhưng chỉ ở một chặng ngắn do sử dụng tuyết tích trữ từ mùa đông năm ngoái. Đó là những khu hiếm hoi ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung diễn ra hoạt động trượt tuyến trong khi đã gần hết tháng 11.

Các khu nghỉ dưỡng khác sẽ phải chờ. Nhiệt độ ấm và mưa lớn đã đổ xuống phía bắc dãy Alps hồi đầu tuần qua và cuốn trôi phần lớn tuyết vừa rơi ở những tuần trước.

Jerome Grellet, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Val Thorens cho biết: “Điều quan trọng là phải trấn an khách hàng và nói với họ rằng chúng tôi có tuyết nên họ cứ việc đến”.

Nhưng Gilles Brunot, Giám đốc văn phòng Chamonix thuộc Meteo France (cơ quan dự báo thời tiết quốc gia của Pháp), cho biết sau những cơn bão gần đây, thì “không còn tuyết ở khu vực có độ cao dưới 1.500 mét, thậm chí là 1.700 mét nữa và muốn thấy tuyết thì phải leo lên độ cao từ 1.500 mét đến 2.500 mét”.

Trước đó, theo các nhà khoa học dự báo trên tạp chí Nature Climate Change hồi tháng 9, ngay cả khi thế giới hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu như mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là dưới 1,5 độ C (so với thời tiền công nghiệp) thì 1/3 trong số 2.234 khu nghỉ dưỡng của châu Âu vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm tuyết.

Giữ được nhiệt độ thấp hơn ngưỡng này, các điểm trượt tuyết ở độ cao hơn so với mực nước biển và những nơi có vĩ độ cao hơn như ở các nước Bắc Âu và dãy Alps của Pháp, Thụy Sĩ và Áo có thể giảm rủi ro từ tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc vận chuyển tuyết cơ học.

Nhưng theo nghiên cứu, điều này sẽ ít được sử dụng đối với các khu nghỉ dưỡng xa hơn về phía nam và ở độ cao thấp hơn. Thậm chí, nghiên cứu này còn là lần đầu tiên người ta chỉ ra chi phí và lượng khí thải carbon của việc tiêu thụ thêm năng lượng và nước để sản xuất tuyết nhân tạo.

Hughes Francois, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nông học Quốc gia Pháp và các đồng nghiệp đã khảo sát 18 khu vực riêng biệt, một số nằm trong lòng một quốc gia và một số khác có phạm vi xuyên quốc gia. Francois cho biết : “Việc tạo tuyết liên quan đến chi phí đầu tư và vận hành khiến các khu nghỉ dưỡng có nguy cơ thất bại về kinh tế”.

Nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi tuyết nhân tạo có thể được sản xuất với chi phí đủ rẻ để duy trì hoạt động của một khu nghỉ dưỡng và mang lại lợi nhuận, thì nó cũng góp phần vào một vòng luẩn quẩn bằng cách làm tăng sự nóng lên toàn cầu. Đơn giản vì quá trình để tạo ra tuyết như vậy rất tốn năng lượng.

Một nửa số khu trượt tuyết trên thế giới nằm ở châu Âu, nơi có doanh thu khoảng 30 tỉ USD mỗi năm và đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi sống nền kinh tế địa phương.

Tuyết ít đi và mưa nhiều hơn

Với việc sử dụng lượng tuyết rơi trung bình trong thời gian 1961 - 1990 làm tài liệu tham khảo, các nhà nghiên cứu đã kết hợp phần mềm mô phỏng khí hậu khu vực với dữ liệu về điều kiện tạo tuyết, cũng như dữ liệu không gian địa lý trên các khu vực núi, khu nghỉ dưỡng và khu trượt tuyết…

Nghiên cứu xem xét các khu nghỉ dưỡng trên khắp châu Âu - từ quần đảo Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ và từ Scandinavia đến khu vực Địa Trung Hải - sẽ bị ảnh hưởng như thế nào với các mức độ nóng lên khác nhau, từ 1,5 độ C, 2 độ C, 3 độ C và 4 độ C.

Hiện bề mặt Trái đất trung bình đã ấm lên 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Chính vì thế, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã gia tăng trên toàn cầu gần đây.

Từ dãy Rocky đến dãy Alps, các khu trượt tuyết, đặc biệt là những khu ở độ cao hoặc dưới 1.500 mét, đã trải qua mùa trượt tuyết rút ngắn và các đường trượt tuyết suy giảm chất lượng do thiếu tuyết. Thậm chí nhiều lúc tuyết không rơi như thường lệ mà thay vào đó là mưa, rửa trôi cả tuyết.

Các nhà khoa học dự đoán rằng trong vòng một thập niên tới, hành tinh của chúng ta có thể chứng kiến năm đầu tiên mà nhiệt độ trung bình vượt thời tiền công nghiệp 1,5 độ C.

Samuel Morin, nhà khoa học tại Meteo-France và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp cho biết: “Ở tất cả các vùng núi của châu Âu, biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ dẫn đến tình trạng tuyết ở các khu trượt tuyết sụt giảm so với những thập niên trước”.

Nghiên cứu cho thấy, nếu thế giới ấm lên 3 độ C so với mức giữa thế kỷ 19 và không có tuyết nhân tạo, 100% khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sẽ phải đối mặt với nguy cơ rất cao là không đủ nguồn tuyết ở dãy Alps thuộc của Đức và Áo, cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Con số tương ứng là 87% ở dãy Alps thuộc Thụy Sĩ; 70% ở dãy núi Bắc Âu và 91% ở dãy núi Carpathian.

Nếu mức tăng nhiệt độ được giữ ở mức 1,5 độ C, tỷ lệ "rủi ro rất cao" chỉ lần lượt là 4%, 5% và 7% ở dãy Alps thuộc Thụy Sĩ, Pháp và Áo, tăng lên 20% ở dãy Alps thuộc Đức và 48% ở dãy núi Bắc Âu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
TP.HCM: Tuyến metro số 1 sẽ chính thức vận hành thương mại vào quý 4/2024
Dự án đường sắt metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng. Dự kiến giai đoạn chạy thử 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9.2024 và miễn phí vé cho người dân sử dụng; đến tháng 10 sẽ nghiệm thu, thẩm định an toàn và chính thức khai thác vận hành thương mại trong quý 4/2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các khu nghỉ mùa đông khóc ròng vì tuyết không chịu rơi