GS-TS Châu Văn Minh cho rằng bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu, nhưng do không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.
Chính sách phát triển KHCN vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào?
Chiều 23.9, tại hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng so với nhu cầu phát triển KT-XH và so với một số thị trường khác, thị trường khoa học - công nghệ (KH-CN) phát triển chậm, chưa gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng đề nghị làm rõ những điểm mạnh điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KH-CN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau ra sao; tại sao kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa KH-CN vẫn còn rất hạn chế; tại sao nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa KH-CN?...
Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: Các tổ chức trung gian, môi giới đã làm tốt vai trò kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa KH-CN hay chưa? Hạ tầng quốc gia của thị trường KH-CN hiện nay ra sao, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế thế nào? Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH-CN còn vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào?
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho hay, trước hết phải hiểu rõ về bản chất của thị trường KH-CN có 3 vế: cung, cầu, và công cụ kết nối giữa cung - cầu là môi trường.
Về phía cung, lịch sử đã khẳng định người Việt Nam đủ sức làm và làm tốt trong việc tạo ra các sản phẩm KH-CN để tạo ra sản phẩm cho thị trường. Tức là nguồn cung sản phẩm KH-CN là rất lớn. Nhưng việc chuyển giao công nghệ phải hiểu rộng hơn, bao gồm cả ý tưởng công nghệ và sản phẩm đi cùng công nghệ.
Về phía cầu, nhu cầu sản phẩm KH-CN rất lớn. Đảng ta đã xác định phát triển dựa vào KH-CN.
“Các vế cung - cầu và môi trường đều có. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao thị trường KH-CN chưa phát triển? Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển”, ông Dũng nói, và cho hay phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy cung sản phẩm KH-CN. Điều này đòi hỏi người làm chính sách phải hiểu cặn kẽ về công nghệ. Đồng thời, phải có nguồn nhân lực, phải tin tưởng đội ngũ KH-CN, có hình thức tôn vinh phù hợp.
Cũng theo ông Dũng, doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng, nhưng để phát triển thị trường KH-CN, phải quan tâm phát triển các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp dân tộc bởi các doanh nghiệp trong nước đóng góp rất lớn về mọi măt, kể cả về ngân sách.
Nhà khoa học không mạnh dạn thương mại hóa sản phẩm
GS-TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam cho hay, thực tiễn nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu KH-CN của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Hai là tự mình khởi nghiệp.
“Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp. Lý do là bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu khám phá các vấn đề mới và họ không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện”, ông Minh nói.
Về chủ trương chung, ông Minh cho rằng Nhà nước ta rất khuyến khích phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đặc thù của loại hình này có tính rủi ro cao (thường chỉ 3-5% thành công). Sau khi thất bại, các nhà khoa học rất khó có thể quay trở lại con đường nghiên cứu khoa học của mình vì nhiều lý do khác nhau.
Chính vì vậy các nhà khoa học còn chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng.
Theo ông Minh, các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Trong khi đó cơ sở vật chất của Việt Nam hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao; một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học trong nước…
Nhiều quy định chưa phù hợp
Về những hạn chế, thách thức từ các cơ quan quản lý, ông Minh cho hay kết quả nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn xử lý chưa thống nhất.
Ví dụ, kết quả nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì lợi nhuận toàn bộ sẽ thuộc nhà nước. Đối với kết quả được bảo hộ SHTT thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó quy định nhà khoa học được hưởng từ 15% đến 20% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Trong khi đó Luật Khoa học công nghệ năm 2013 lại quy định nhà khoa học được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Có thể thấy các quy định không thống nhất này dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.
Đồng thời, việc định giá tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN theo Luật Giá 2012 và Nghị định 70/2018/NĐ-CP khó thực hiện ngay cả đối với các đơn vị có chức năng thẩm định gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Thậm chí trong một số trường hợp cơ quan chủ trì và tác giả có thể bị quy trách nhiệm hình sự làm thất thoát tài sản nhà nước theo Luật Hình sự 2015.
Ông Minh cũng cho hay một số quy định ngành chưa phù hợp gây khó khăn trong ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu (ví dụ theo Thông tư 35/2018/BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Luật Dược, chỉ cho phép thử nghiệm lâm sàng thuốc nguồn gốc hóa dược khi nguyên liệu được sản xuất trên dây chuyển sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP trong khi chưa có cơ sở nghiên cứu nào đạt tiêu chuẩn này ở Việt Nam).
Hơn nữa, các sản phẩm khoa học khó tham gia mua sắm công do chưa có chính sách khuyến khích, ưu tiên trong mua sắm công.
Do đó, ông Minh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan; xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN; khuyến khích, ưu tiên mua thiết bị, công nghệ… là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước trong mua sắm công.