Các nhà khoa học nữ ở Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia 2020 nhờ sự say mê tìm tòi, nghiên cứu các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật).

Các nhà khoa học nữ ở Viện Hóa học được trao Giải thưởng Kovalevskaia

TTXVN | 05/03/2021, 14:27

Các nhà khoa học nữ ở Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia 2020 nhờ sự say mê tìm tòi, nghiên cứu các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật).

Các công trình nghiên cứu này đã được ứng dụng vào thực tế, đưa nhiều sản phẩm cải thiện sức khỏe tới người tiêu dùng.

Ứng dụng là để người dân đón nhận 

Chú thích ảnh
Các tập thể và cá nhân nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Những năm qua, người dân Việt Nam được sử dụng nhiều sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe như Đông trùng hạ thảo, Khương thảo đan, các loại tinh dầu... Những sản phẩm này được người dân đón nhận và còn được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể những nhà khoa học của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, với mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng. Nhiều người biết đến cơ quan này như là một đơn vị hàng đầu của cả nước, nhiệm vụ chính là nghiên cứu các chất mang hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên và ứng dụng triển khai vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, ít ai biết 70% nguồn nhân lực ở đây là nữ giới. 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm của Viện không chỉ giúp ích cho sức khỏe con người, các chất thiên nhiên từ tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật, cũng được nghiên cứu khai thác, chuyển hóa và tổng hợp chúng thành những chất có giá trị cao phục vụ cho công nghiệp dược, nông nghiệp và xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2010-2020 tập thể nữ khoa học nơi đây đã chủ trì 29 trong tổng số 58 đề tài, dự án cấp nhà nước thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia về khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật và kinh tế - xã hội; 30 trong tổng số 57 đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu từ các đề tài này tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực hóa học, hóa dược, nông nghiệp, vật liệu và môi trường…

Nhiều đề tài, dự án do các nhóm nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học nữ thực hiện trong lĩnh vực xử lý môi trường đã được áp dụng ở rất nhiều địa bàn trên cả nước như: nghiên cứu mức độ và các mô hình, biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk; tải lượng cacbon và phát thải khí chứa cacbon từ hệ thống sông Hồng, đánh giá nguy cơ gây phì dưỡng môi trường nước lưu vực sông Hồng; chuyển giao công nghệ giảm thiểu khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước Đông Nam Á…

Chú thích ảnh
Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho PGS.TS Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Từng là cán bộ giảng dạy Bộ môn Dị ứng - Miễn dịch (Đại học Y Hà Nội), sau khi tham gia chương trình đào tạo khoa học tại Mỹ thì Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương lại chọn Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên để giữ niềm đam mê nghiên cứu. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và từ sở thích cá nhân, bà bắt đầu gắn bó với các loại nấm dược liệu từ năm 2000. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương cho biết, sau khi nghiên cứu sâu, bà phát hiện ra trong các loại nấm có rất nhiều thành phần dinh dưỡng mà người dân không biết để dùng. 

“Các sản phẩm khoa học của Việt Nam nghiên cứu không hề thua kém các sản phẩm đến từ nước ngoài. Đặc biệt, nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam dồi dào, phong phú, giá thành rẻ mà lại tốt. Đây là lợi thế mà nước ngoài không có được”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương chia sẻ.

Quan điểm nghiên cứu khoa học của Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương và các nhà khoa học nữ ở đây là công trình nghiên cứu phải có thành quả thực tế, phục vụ cuộc sống, sản phẩm phải được người dân đón nhận và tin dùng.

Với mục tiêu đó, đội ngũ cán bộ nữ của Viện không chỉ thành công khi đem lại nhiều sản phẩm thiết thực cho người dân, mà còn có nhiều uy tín trong giới khoa học vì xuất bản nhiều công trình có uy tín trong nước và thế giới. Trong 5 năm gần đây tập thể các nhà khoa học nữ đã công bố gần 300 công trình khoa học, trong đó có trên 150 bài báo quốc tế, 208 bài báo quốc gia và hàng chục báo cáo ở các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều bằng phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích với sự tham gia của các nhà khoa học nữ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. 

Muốn bình đẳng, phụ nữ cần phải tiến bộ 

Có thể thấy, để có được thành công trong sự nghiệp mà vẫn đảm bảo được thiên chức của người phụ nữ, các nhà khoa học nữ luôn phải chịu nhiều hy sinh, vất vả. Tuy nhiên, với các nhà khoa học nữ, quan điểm về bình đẳng giới đối với họ cũng rất khác, rất văn minh và tri thức. 

"Nhận thức của cả xã hội về phụ nữ cần được thay đổi, nhưng chính bản thân người phụ nữ cũng phải vươn lên, khẳng định mình. Muốn có sự bình đẳng thì phụ nữ phải tiến bộ", Giáo sư, Tiến sỹ Lê Mai Hương nhấn mạnh. 

Chú thích ảnh
Nữ sinh có thành tích xuất sắc nhận học bổng Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, cho biết, tập thể cán bộ nữ của Viện luôn yêu thương, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ. Do đó, sự phát triển của Viện có đóng góp rất lớn và đầy nhiệt huyết của tập thể cán bộ nữ trong nghiên cứu khoa học và phát triển các sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường, lãnh đạo Viện luôn có chủ trương, chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ các nhà khoa học nữ trong việc nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị để họ tham gia công tác đào tạo đại học và sau đại học; chủ trì, thực hiện đề tài dự án các cấp, hợp tác quốc tế, phát triển các sản phẩm ứng dụng cho nhiều lĩnh vực...

Mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX, Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu trao tại Việt Nam từ năm 1985 - là giải thưởng đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên.

Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, trong 35 năm qua, Giải thưởng được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin… Sau khi nhận được giải thưởng cao quý này, các nhà khoa học nữ không chỉ tiếp tục cống hiến cho khoa học, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học nữ trên con đường khoa học vinh quang, nhưng cũng không ít chông gai.

"Các nhà khoa học nữ không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình", bà Hà Thị Nga nhấn mạnh. 

Với những thành tích to lớn, tập thể nữ cán bộ của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên được trao Giải thưởng Kovalevskaia - một giải thưởng thường niên lớn nhất ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của các nhà khoa học nữ  Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Ngày 5.3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia và lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020.

Giải thưởng Kovalevskaia năm nay được trao cho tập thể nữ các nhà khoa học của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch (Trường Đại học Y Hà Nội của Bộ Y tế) vì những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.

Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia cũng trao học bổng Kovalevskaia năm 2021 cho 3 nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc của trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) là: Em Lê Minh Châu (lớp 12A1 Toán), em Đặng Minh Ngọc (lớp 11A2 Toán), Em Nguyễn Hằng Linh (lớp 10A2 Toán).

Tại buổi lễ, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá: Giải thưởng Kovalevskaia đã đi được chặng đường 35 năm đồng hành với nền khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nữ Việt Nam từ khi đất nước bước vào Đổi mới, và trở thành giải thưởng danh giá cấp quốc gia dành cho các nhà khoa học nữ. Những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của các tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có giá trị kinh tế cao, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào thành quả trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trong 35 năm qua, Giải thưởng đã được trao cho 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà khoa học nữ ở Viện Hóa học được trao Giải thưởng Kovalevskaia