Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.

Các nước còn lại trong TPP làm gì khi Mỹ rút khỏi hiệp định?

Anh Thư tổng hợp | 21/01/2017, 22:15

Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.

Cuối cùng nước Mỹ cũng đã rút khỏi TPP như lời hứa của tân Tổng thống Donald Trump khi tranh cử, bất chấp nỗ lực thông qua hiệp định này của nội các Nhật Bản. Nước Nhật vẫn cho rằng cần phải bảo vệ TPP.

Nhật vẫn muốn Mỹ dẫn dắt tự do thương mại

Bất chấp việc chính quyền Donald Trump thông báo sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết hôm nay 21.1, chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục kêu gọi chính quyền tân Tổng thống Mỹ thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu.

Kyodo dẫn nguồn tin từ một quan chức thân cận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói “điều này chưa đồng nghĩa với việc TPP chính thức không được phê chuẩn”. Ông này cũng cho rằng “cần tìm hiểu thêm về những mục tiêu thực sự của Tổng thống Trump” và “Nhật sẽ thu thập, phân tích thông tin kỹ lượng để khuyến khích Mỹ phê chuẩn hiệp định này”.

Phó chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật ông Masahiko Komura cũng nói cần bảo vệ TPP và nhấn mạnh, "TPP sẽ có tác động rất tốt đến nền kinh tế của Mỹ".

Ngay trước lễ nhậm chức ông Donald Trump (20.1), nội các của Thủ tướng Abe đã thông qua TPP và thông báo cho New Zealand việc đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn trong nước đối với hiệp định này.

Điều này đồng nghĩa với việc Nhật đã hoàn tất các thủ tục trong nước cần thiết trong tiến trình thông qua hiệp định. Bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật N.Isihara cho biết, Nhật sẽ quyết tâm xây dựng một nền tảng chung nhằm củng cố thỏa thuận thương mại tự do này.

Hành động trên của Nhật như một nỗ lực cuối cùng đề thúc đẩy Mỹ không từ bỏ TPP, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các nước tham gia đàm phán thúc đẩy thông qua TPP.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng phát biểu trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 11.2016 rằng: "TPP thiếu đi chữ kí của phía Mỹ sẽ không còn ý nghĩa gì nữa".

Nếu TPP không trở thành hiện thực, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và không phải là một thành viên TPP, có thể sẽ có vai trò lớn hơn trong việc tác động tới các quy định thương mại khu vực.

RCEP sẽ là lựa chọn tiếp theo?

TPP bao gồm các thành viên Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận này đang ở trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Nếu có hiệu lực, TPP sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo các nhà kinh tế, TPP có thể bổ sung tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thêm gần 300 tỉ USD mỗi năm.

Trước tiên, trong TPP (điều 30.5) đã quy định rõ ràng rằng để hiệp định này có hiệu lực phải đảm bảo điều: 1/ Tất cả các nước ký tên ban đầu đã thông báo lưu chiểu khi hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của họ. 2/ Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày ký hoặc sau khi kết thúc thời hạn này nếu ít nhất 6 nước ký tên ban đầu, chiếm ít nhất 85% GDP kết hợp của các bên ký kết ban đầu trong năm 2013 đã thông báo cho ban lưu trữ hoàn thành áp dụng thủ tục pháp lý tại nước đó.

Hiện tại, GDP của Mỹ chiếm tới gần 50% GDP của cả 12 nước đã ký kết TPP, nếu không có Mỹ, để TPP vẫn tiếp tục, các nước còn lại cần khởi động một vòng đàm phám mới.

Tại hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos 2017 mới đây, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết, với TPP "chết", các nước đang đẩy mạnh cho một thỏa thuận tự do thương mại thay thế trong các hình thức của các Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

"Bởi vì TPP đã chết, do đó tất cả chúng tôi cam kết đảm bảo rằng RCEP trở nên thành công", ông nói. "Đó là một win-win, khái niệm này là một kết quả cân bằng cho tất cả mọi người".

RCEP dự kiến sẽ bao gồm 16 quốc gia: 10 thành viên của nhóm ASEAN cộng với các đối tác kinh doanh của khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ; không bao gồm Mỹ.

So với TPP, RCEP cũng nhằm cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhưng các tiêu chuẩn quy định thấp hơn và hạn chế hơn. RCEP cũng miễn trừ hàng hóa nhất định từ việc cắt giảm thuế quan để bảo vệ ngành địa phương và cho phép các thành viên kém phát triển thêm thời gian để thực hiện.

Thi Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nước còn lại trong TPP làm gì khi Mỹ rút khỏi hiệp định?