Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành khác đều nỗ lực "không bỏ lỡ con tàu" từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì ở một khía cạnh nào đó, ngành dệt may lại đau đáu nỗi buồn với khả năng 86% lao động đứng trước nguy cơ mất việc vì xu hướng này.

Cách mạng 4.0: Nơi thì hồ hởi, nơi thì âu lo

tuyetnhung | 18/08/2017, 20:33

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành khác đều nỗ lực "không bỏ lỡ con tàu" từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì ở một khía cạnh nào đó, ngành dệt may lại đau đáu nỗi buồn với khả năng 86% lao động đứng trước nguy cơ mất việc vì xu hướng này.

Thực tế này được chính những ông chủ doanh nghiệp dệt may đưa ra tại Hội thảo "Cách mạng Công nghiệp 4.0 - những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam" diễn ra ngày 18.8 tại Hà Nội.

Dẫn số liệu báo cáo về nhân lực tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực cho biết có khoảng 86% lao động dệt may Việt Nam chịu tác động lớn trước cuộc cách mạng 4.0.

Bởi lẽ, TS Lực cho rằng trong cuộc cách mạng 4.0 sẽ có rất nhiều nguồn việc thay thế. Lúc đó, doanh nghiệp các ngành nghề, đặc biệt là dệt may sẽ nghĩ tới chuyện cơ cấu lại lao động. Trong 5 khâu sản xuất một sản phẩm may mặc thì Việt Nam chủ yếu mới tham gia ở khâu sơ khai nhất là gia công, những khâu còn lại như thiết kế, phân phối... đang bị bỏ trống.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam - TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra nhận định ngành dệt may sẽ là một trong số ngành chịu sự tác động lớn trước cuộc cách mạng 4.0 tới đây.

"Đâu đó người ta đưa ra con số khoảng 2 triệu lao động dệt may mất việc làm, quả là bi thảm nhưng chúng ta phải chấp nhận để thay đổi. Trong nhiều lần tới thăm một số doanh nghiệp dệt may, tôi thấy nhiều công ty đã nhanh nhạy thay thế những công nhân bốc vác bằng những robot. Cách mạng 4.0 bắt đầu len lỏi vào những nhà máy, công xưởng như vậy", TS Thiên chia sẻ.

Trước viễn cảnh này, đại diện một doanh nghiệp dệt may với quy mô 5.000 lao động bày tỏ lo ngại khi cho biết mỗi nămcông ty xuất đi hàng trăm container đơn hàng cho đối tác. Nhưng nếu cách mạng 4.0 vào ngành dệt may thì khả năng lao động ngành dệt may Việt Nam sẽ biến mất trong chục năm tới, vì khi đó mỗi gia đình đều có máy in 3D, hay robot trong các công xưởng...

"Vậy, Chính phủ có giải pháp gì để ngành dệt may không rơi vào thảm cảnh như cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống với Uber, Grab hiện nay hay không?", vị này băn khoăn đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác lại xác định cách 4.0 chính là "phao cứu sinh" cho khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Ông Cái Hồng Thu - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ, để duy trì năng lực và lợi thế cạnh tranh, VICEM luôn xác định cần phải đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến các nhà máy hiện có, đầu tư kết hợp kế thừa và tùy chỉnh thiết kế để có được các nhà máy thông minh, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng.

Ông Phạm Đình Lộc - Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) thì xác định ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin hiện đại hóa lưới điện cũng như quản trị doanh nghiệp, kinh doanh, dịch vụ khách hàng... chính là một trong những khâu đột phá để phát triển bền vững.

"Hiện tại, Tổng công ty đã và đang thực hiện có lộ trình hiện đại hóa lưới điện theo hướng tự động hóa, đồng bộ với đầu tư lưới điện kết nối mạch vòng, giảm thiểu mất điện, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho khách hàng. Ngoài ra, công ty đã xây dựng đội ngũ chuyên gia quản lý, vận hành lưới điện từng bước làm chủ công nghệ mới", ông Lộc nói.

Là một doanh nghiệp công nghệ, ông Đỗ Trung Hiếu - Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Smartlines JSC - Vietnam IOT Alliance khuyến cáo các doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất của mình; chờ đợi công nghệ hoàn thiện là quá muộn để kịp thay đổi.

Trước những ý kiến của doanh nghiệp, Ông Trần Việt Hòa - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết Bộ sẽ tiến hành đánh giá, xem xét và bước đầu đưa ra những khuyến nghị trong định hướng phát triển và điều chỉnh chính sách phát triển. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp - thương mại, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu, cụ thể cho từng lĩnh vực; định hướng, điều chỉnh phù hợp với từng doanh nghiệp, ngành nghề.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách mạng 4.0: Nơi thì hồ hởi, nơi thì âu lo