Đã có những cặp vợ chồng vì cách xưng hô thô thiển, suồng sã đẩy đến mâu thuẫn không hàn gắn được!
Trước hết phải khẳng định rằng, cách vợ chồng xưng hô với nhau có sự ảnh hưởng nhất định đến tình cảm của hai người. Xưng hô chính là cách thể hiện tình cảm, sự tôn trọng với vợ hoặc chồng. Không chỉ bản thân người trong cuộc nhận ra mà cả người ngoài cũng có thể đánh giá được mức độ hạnh phúc của gia đình thông qua cách xưng hô.
Khi còn yêu nhau, các cặp đôi luôn gọi nhau bằng những từ ngữ ngọt ngào nhất. Phổ biến và gần gũi nhất là “anh-em”, hoặc có người thì xưng bằng tên, có người lại gọi yêu nhau bằng những biệt danh riêng chỉ hai người mới hiểu. Song khi đã thành vợ, thành chồng thì các xưng hô lại có nhiều thay đổi, phụ thuộc vào tuổi tác của hai vợ chồng, vào tình trạng và từng giai đoạn khác nhau của cuộc hôn nhân. Lúc bình thường thì anh – em, chồng – vợ, ông xã – bà xã. Có nhà thì gọi chồng/vợ của mình là bố nó, mẹ nó, tôi - ông/bà, tôi - mình. Lúc vui vẻ mặn nồng thì “chồng iu – vợ iu - xã iu. Nhưng đến lúc chén bát xô nhau, “cơm không lành, canh không ngọt” thì lại tôi – cô, tôi- anh, hay tệ hơn nữa là “mày tao, tao mày”.
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên tắc để tránh xung đột kéo dài trong đời sống hôn nhân đó là thể hiện sự tôn trọng nhau trong cách xưng hô giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, không ít cặp vợ chồng trong khi cãi nhau, họ đã dùng cách xưng hô “mày- tao” để thể hiện sự bực tức của mình. Họ không hay biết rằng, cách xưng hô đó đã phạm vào nguyên tắc cơ bản trong văn hóa ứng xử.
Có bà vợ nào lại cảm thấy không buồn khi người chồng của mình gọi mình là con này con nọ? Có người đàn ông nào chấp nhận được người vợ hiền dịu trong một lúc nóng giận lại gào lên xưng mày, xưng tao. Người xưa có câu “giận quá mất khôn” là vậy, lời nói thì không mất tiền mua, nhưng những khi nóng giận, không kiềm chế được bản thân thì người ta thường thốt ra những lời nói khó nghe, có tính sát thương cao với người nghe. Những lúc đấy, không ai còn nhận ra người chồng mẫu mực hay người vợ dịu hiền thường ngày nữa.
Và lúc gây chiến xong, dù có làm hòa được thì tình cảm vợ chồng cũng không được như trước, cứ có cảm giác như có cái gì đó ngăn cách ở giữa, người ta luôn bị ám ảnh bởi những lời nói khó nghe, bởi cách xưng hô thiếu tôn trọng.
Có đến 99% người vợ hoặc người chồng cho rằng bản thân cảm thấy bị tổn thương khi bị người bạn đời từng đầu gối tay ấp gọi mình là “mày” xưng “tao”. Nhiều người còn tỏ ra không thể tha thứ cho việc “nhỡ miệng” này của người bạn đời, họ cho rằng một khi đã không còn tôn trọng nhau thì cũng nên chia tay.
Như cặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nội), tình cảm vợ chồng rạn nứt chỉ vì cáchxưng hô mày taocủa anh chồng. Chả là gần đến năm học mới, chị sốt sắng tìm hiểu trường lớp cho con. Nhiều lần chị cũng nói chuyện với mẹ chồng về việc sẽ cho cháu đến trường vào năm học mới nhưng cả bố mẹ chồng và chồng nhất quyết không cho con đi học mà muốn để con ở nhà.
Tức quá, chị nói lại một câu thì mẹ chồng la toáng lên nói con dâu mất nết. Nghe vậy chồng chị từ trong phòng bước ra quát tháo và nói “mày biến ra khỏi nhà tao ngay".
Chị đứng hình khi nghechồng xưng mày – tao với vợ.Sau lần đó, cứ hễ vợ chồng va chạm nhỏ, mở miệng ra là anh lại mày – tao với vợ.
“Thường ngày vợ chồng xưng hô rất tình cảm “anh anh, em em”, nhưng từ khi nghe tiếng “mày tao” khiến mình bị xúc phạm, thiếu tôn trọng ghê gớm. Hai vợ chồng vì vậy mà cãi nhau nhiều hơn. Mỗi lần cãi nhau anh lại tiếp tục tung ra những lời lẽ như thế khiến mình cảm tưởng tình nghĩa vợ chồng không còn gì nữa” – chị Liên tâm sự.
Cảm thấy bị coi thường khi bị xưng mày - tao
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều người vẫn “ngụy biện” vợ chồng quan trọng là ăn ở với nhau thế nào chứ không quan trọng trong cách xưng hô. Ngôn ngữ tuy là cái vỏ, tình cảm mới là cốt lõi nhưng không phải muốn gọi thế nào cũng được.
Cách xưng hô là một cách thể hiện tình cảm trong cuộc sống vợ chồng. Nó thể hiện nếp văn hóa, mức độ hòa hợp trong đời sống hôn nhân. Qua cách xưng hô có thể thấy rõ sắc thái, tình cảm vợ chồng như yêu thương, giận dỗi hay xung đột.
Khi xưng hô anh – em sẽ thấy vợ chồng tình cảm hơn rất nhiều. Cũng như khi một anh chàng nào muốn tán tỉnh một cô gái cũng sẽ xưng hô “anh anh - em em” ngọt xớt, chứ chẳng ai nói mày - tao.
Vợ chồng xưng hô mày taokhi nào thì “được phép”, theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, cho dù ngay cả khi cãi nhau vì bất cứ lý do gì và ai đúng, ai sai thì vợ chồng cũng không nên xưng hô “mày – tao” với nhau.
Điều này cũng dễ trở thành thói quen khi đã có thể nói một lần, hai lần... và cứ như vậy sẽ khiến vợ chồng trở nên coi thường nhau thực sự. Thể hiện sự tôn trọng nhau trong cách xưng hô chính là nguyên tắc để tránh xung đột kéo dài.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, mỗi cặp vợ chồng nên cân nhắc thật kỹ cách xưng hô sao cho thân mật, cả hai đều dễ chịu là được. Nhưng dù xưng hô cách nào, các cặp vợ chồng cũng nên nhớ rằng một nửa còn lại chỉ muốn được nghe những cách gọi dịu dàng, tình cảm vì họ cảm giác được yêu thương, quan tâm và tôn trọng.
Một chuyên gia khác (xin giấu tên) lại cho rằng, vợ chồng xưng mày tao cũng được, nhưng phải đúng hoàn cảnh, ví dụ như lúc vui đùa với nhau!
Không những thể hiện sự tôn trọng và tình cảm giữa hai vợ chồng mà cách xưng hô còn là bài học cho con cái nhìn vào. Thử hỏi nếu suốt ngày nghe bố mẹ gọi nhau là “mày - tao”, “ông - bà” thì con cái sẽ nghĩ như thế nào về bố mẹ mình? Nếu con còn nhỏ thì còn đỡ, nhưng nếu con cái đã lớn, đã hiểu chuyện, nhận thức được vấn đề thì cách bố mẹ xưng hô thiếu tôn trọng nhau sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và sự hình thành nhân cách của con trẻ.
Đời sống vợ chồng có khuynh hướng bị bào mòn theo thời gian, nếu như bạn không biết cách điều chỉnh nó. Một trong những điều cần thiết để “giữ lửa” cho mối quan hệ này, đó là cư xử làm sao cho tình cảm vợ chồng lúc nào cũng “tương kính như tân”. Và cách vợ chồng xưng hô với nhau chính là điều cơ bản, then chốt nhất để giữ gìn tình cảm, hạnh phúc gia đình.