Tang tóc ập xuống khi bà Minh bị sụp xuống hố sâu ở cạnh con kênh nội đồng vừa được làm xong, mà nguồn cơn, theo gia đình và người làng, là nhà chức trách không hết trách nhiệm trong việc cảnh báo.
Nạn nhân là bà Huỳnh Thị Kim Minh (SN 1970, trú đội 1, thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).
Ông Nguyễn Tấn Vui (SN 1969), chồng của nạn nhân kể: “Hôm đó là buổi sáng 14.12. Sau đợt mưa lũ, đồng ruộng vào vụ, nước đã xuống nên dân chúng tôi ra đồng làm. Tôi ra đồng trước, vợ tôi bận việc nên ra sau. Tuy nhiên, khi vợ tôi đi men theo con ruộng cạnh tuyến kênh nội đồng N12-11 thì bất ngờ bị sụp xuống và chết đuối”.
Theo người dân địa phương, tuyến kênh nội đồng này vừa được làm trong thời gian gần đây. Vị trí bà Minh gặp nạn là điểm giao của con kênh với đường lớn. Trước đây ở điểm giao này nước lấp xấp lỗ trâu nằm. Tuy nhiên sau khi tuyến kênh bê tông được xây lên chạy cắt ngang đám ruộng thành như một con đê nên nước từ chỗ cao tràn xuống không thoát kịp và dồn về xói mạnh tại điểm này thành một hố sâu tầm 4 - 5m. Đợt mưa lũ từ ngày 9-11.12, nước lũ đã phá lỗ trâu nằm này thành một hố lớn, phá toác đường và làm sụp gãy một đoạn dài kênh bê tông.
Không được cảnh báo, bà Minh đi làm đồng như ngày thường và rơi xuống hố sâu, do không biết bơi nên bà bị chết đuối. Làng xóm phải cử nhiều người ngụp lặn mới đưa thi thể bà lên được.
Đoạn cuối tuyến kênh bị xói sâu nhưng không được cảnh báo, sau khi bà Minh gặp nạn chính quyền mới chăng dây cảnh báo
“Tôi đi ở đồng dưới nên không sao, vợ tôi về muộn nên vội đi tắt ở đồng trên nên mới ra cơ sự. Nhưng tại sao người ta đã biết chỗ đó bị phá nước nguy hiểm mà không cảnh báo để xảy ra cơ sự này chứ. Vợ tôi chết đi, họ mới ra căng dây, gắn biển cảnh báo”, chồng người đàn bà xấu số buồn đau.
Gia đình bà Minh thuộc diện cận nghèo. Ngoài hơn 2 sào ruộng, vợ chồng bà phải thuê mướn thêm của người làng để làm đặng có tiền nuôi con cái. Hai đứa con bà, con gái lớn theo chồng sống ở miền Nam; đứa con trai út học xong phổ thông cũng vào Sài Gòn học nghề làm tóc. Thế là ở nhà bà như trụ cột của gia đình, làm quần quật từ việc đồng áng cho đến thuê mướn. Hằng năm, vợ chồng bà vẫn làm thêm việc dọn dẹp ở thị trấn mỗi dịp 30 Tết, làm từ giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1để kiếm thêm thu nhập.
“Vợ tôi chết đi mà đau xót quá. Giá như người ta biết đó là nguy hiểm mà cảnh báo thì đâu có cơ sự. Tôi thì nói năng hiểu biết không nhiều. Gia đình tôi đã làm đơn gửi đến công an, xã, huyện mong sao họ vào cuộc giúp đỡ. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng có trách nhiệm gì đó liên quan đến cái chết của vợ tôi. Nhà tôi nghèo, tôi cũng mong họ hỗ trợ phần nào để gia đình có kinh phí lo hậu sự cho vợ”, ông Vui nói.
Huyện, xã đổ nhau?
Tuyến kênh Ống Sét - đội 1 - Điền Trang do Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Việc không cảnh báo và có biện pháp liên quan đến vị trí nguy hiểm được người làng và chính quyền địa phương cho rằng liên quan đến quy trình của dự án.
Theo đó, người dân cho biết nếu dự án lấy ý kiến thì người dân sẽ đề xuất làm thêm các ống thoát giữa thân kênh để nước lớn không bị ép về một phía mà phá sâu như ở vị trí bà Minh gặp nạn.
Còn phía xã Hành Đức cho biếtcấp chính quyền này cũng không được tham gia góp ý kiến, nếu không sẽ có đề xuất làm tràn để tránh việc nước không có chỗ thoát phá hỏng công trình.
Dự án do Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư nhưng không có giám sát cộng đồng
Lãnh đạo xã Hành Đức khẳng định: “Tuyến kênh trên cũng như các công trình khác thuộc nguồn vốn của UBND huyện và tỉnh trên địa bàn xã đều không có giám sát cộng đồng (do Mặt trận tổ quốc từng cấp chủ trì thành lập). Do không có giám sát cộng đồng nên việc đóng góp ý kiếnkịp thời các sai sót, cảnh báo không có”.
Về trách nhiệm cảnh báo khi thấy sự nguy hiểm nhưng không làm để người dân gặp nạn, lãnh đạo xã này cho biết, trước ngày bà Minh bị chết đuối xã đã có tờ trình gửi lên phòng nông nghiệp huyện chỉ rõ ở vị trí này để có biện pháp xử lý nhưng không thấy động thái. Phòng NN-PTNT huyện này thừa nhận có tờ trình từ ngày 11.12, tuy nhiên việc khắc phục không thể tiến hành ngay lúc đó.
Trái lại, ông Đàm Bàn, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho rằng cái chết của bà Minh là do rủi ro. Và việc người nhà có những đề nghị làm rõ liên quan đến cái chết của bà Minh thì ông phó chủ tịch huyện khẳng định luôn là "biết có một số kẻ xấu lợi dụng".
Ông Bàn cũng khẳng định rằng việc huyện đưa dự án về làm trên địa bàn xã nhưng việc thành lập ban giám sát cộng đồng là do cấp xã làm, "họ không thành lập thì trách nhiệm họ chịu".
Phó chủ tịch huyện Nghĩa Hành cũng kể rằng vị trí bị xói lở ở chỗ bà Minh gặp nạn là một hố có từ lâu. “Trước khi bà Minh mất thì tôi đã có đi kiểm tra, còn dẫn đài PTTH Quảng Ngãi tới quay để ghi nhận và sắp tới huyện sẽ bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp”.
Thật kỳ lạ là đã biết trước và dẫn đài tới quay mà chính quyền huyện không nghĩ tới việc cảnh báo, còn đổ xuôi ngược huyện, xã.
Được biết, trường hợp bà Minh được chính quyền huyện Nghĩa Hành đưa vào danh sách chết do mưa lũ nhưng sau đó không được chấp thuận!
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng