Giai đoạn 2 của chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại 3 tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang” chính thức được khởi động.
Theo dòng thời sự

Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn

Thu Anh 18:34 28/11/2023

Giai đoạn 2 của chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại 3 tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang” chính thức được khởi động.

Ngày 28.11, UBND tỉnh Hà Giang và các tổ chức, gồm Plan International Việt Nam, CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) tổ chức hội thảo khởi động giai đoạn 2 của chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại 3 tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang”.

Tiếp cận các dịch vụ cơ bản, làm chủ cuộc sống

Giai đoạn 2 của chương trình “Tiến về phía trước” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam được triển khai từ tháng 9.2023 đến tháng 8.2028.

Chương trình hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 xã của huyện Đakrông và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị); 4 xã của huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), 5 xã của huyện Xín Mần và Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

toan-canh-hoi-thao-khoi-dong-tien-ve-phia-truoc.jpg
Lễ khởi động chương trình "Tiến về phía trước" - Ảnh: BTC

Chương trình cũng ghi nhận phản hồi rất tích cực từ phía người hưởng lợi trực tiếp. Chị Hồ Thị Xở - Tổ trưởng Tổ hợp tác chuối lùn xã Tà Rụt (tỉnh Quảng Trị) cho biết chương trình đã giúp chị em trong tổ hợp tác hiểu rõ hơn về yêu cầu của thị trường và khách hàng tiềm năng của loại sản phẩm mà tổ muốn bán...

Ở một góc độ khác, chị Lường Thị Loan (thôn Kìa, xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Chương trình Tiến về phía trước đã giúp các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng sáng tạo nhiều hình thức truyền thông thu hút sự tham gia của dân làng, thúc đẩy các trao đổi về bình đẳng giới trong thôn của tôi”.

Tại hội thảo, ông Seán Farrell - Phó đại sứ Ireland tại Việt Nam đã chia sẻ: "Đây là một trong những chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chương trình góp phần đóng góp cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đối với khu vực miền núi và cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Theo Phó đại sứ, các mục tiêu của chương trình phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên trong Chính sách hợp tác hỗ trợ Việt Nam của Ireland. Nội dung chương trình được xây dựng dựa trên bề dày các hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương của Ireland tại Việt Nam.

Về phía UBND tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Gia Long - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết chương trình “Tiến về phía trước” do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ là phù hợp với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Hà Giang.

Chương trình góp phần hỗ trợ cộng đồng và các nhóm người dân dễ bị tổn thương được tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế để tự chủ hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế của họ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

ong-sean-farrell-pho-dai-su-ireland-tai-vietnam.jpg
Phó đại sứ Ireland tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện - Ảnh: BTC

Cộng đồng sẽ định hướng sự phát triển

Theo tổ chức Plan International Việt Nam, chương trình “Tiến về phía trước” nhằm hỗ trợ những cộng đồng người dân tộc thiểu số bị thiệt thòi ở các khu vực miền núi tại Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang. Những huyện được lựa chọn là nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm Pa Cô, Vân Kiều, H’Mông, Tày, Nùng, Mường và Dao.

Mục tiêu tổng thể của chương trình là các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại Quảng Trị, Hòa Bình, Hà Giang được nâng cao năng lực, vị thế để cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, qua đó giúp giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương.

Để triển khai hiệu quả và đạt được các mục tiêu của chương trình, Plan International Việt Nam, CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm RIC sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng sẽ định hướng sự phát triển.

Ngoài ra, chương trình sẽ tiếp cận những người yếu thế nhất như người nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật dân tộc thiểu số. Các mô hình cụ thể sẽ được thực hiện như một môi trường để thực hành phương pháp tiếp cận này, đồng thời thông qua các mô hình để đem lại những thay đổi tích cực đối với các cộng đồng mục tiêu.

Bà Lê Quỳnh Lan - Quyền Giám đốc quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam mong muốn thông qua chương trình này, cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ được nâng cao năng lực để có thể ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; tự chủ hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế của họ trong gia đình, cộng đồng và xã hội…

Bài liên quan
Cần bao nhiêu người lên sao Hỏa để xây dựng một cuộc sống mới?
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng sẽ cần ít nhất 22 người để duy trì việc định cư trên sao Hỏa. Nhưng có rất nhiều cảnh báo về những rủi ro khi “tiết kiệm” số người như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn