Theo Nghị định số 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh do Chính phủ ban hành ngày 7.7 (có hiệu lực từ ngày 15.8.2016), khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, tổ chức, cá nhân không tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cấm 'chế' ảnh phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm danh nhân

Trí Lâm | 08/07/2016, 05:48

Theo Nghị định số 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh do Chính phủ ban hành ngày 7.7 (có hiệu lực từ ngày 15.8.2016), khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, tổ chức, cá nhân không tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, Nghị định quy định không được phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; không tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động.

Nghị định quy định rằng, tổ chức, cá nhân không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân không được vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định không mua, bán, sử dụng, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm pháp luật hoặc đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh không thực hiện đúng trách nhiệm quy định ở trên sẽ thu hồi giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh.

Đồng thời, Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ sáng tác,đặt hàng sáng tác, sưu tầm, lưu trữ tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nước cũng sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh và phát triển thị trường nhiếp ảnh theo quy định của pháp luật. Khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động nhiếp ảnh và có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động nhiếp ảnh.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn cho biết, đây là một quy định không mới. Nghị định 103/2009/NĐ-CP hoặc Nghị định 11.2006/NĐ-CP trước đó đều có quy định những nội dung này.

Theo Luật sư Vũ, đây cũng không phải là quy định đặc thù trong lĩnh vực nhiếp ảnh, hầu hết các lĩnh vực khác đều có quy định tương tự. Chẳng hạn như quy định của Luật báo chí cấm đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; cấm đăng, phát thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Hay như Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định giới hạn của quyền sở hữu trí tuệ là việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan,…

“Nói chung, có thể nói quy định về cấm “đụng chạm” tiêu cực, xuyên tạc đối với vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa là một nguyên tắc chung của pháp luật, được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong hầu hết tất cả các lĩnh vực” – Luật sư Vũ nói.

Luật sư Vũ cho rằng, dù là quy định cấm đoán nhưng quy định này là phù hợp, bởi lẽ các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa là những người có nhiều đóng góp cho lịch sử, cho xã hội, cho nền văn hóa của quốc gia – dân tộc và của cả thế giới, họ là biểu tượng, nét đẹp của truyền thống, văn hóa nên họ xứng đáng được tôn trọng và cần phải được tôn trọng.

“Đồng thời, quy định về việc cấm sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân cũng phù hợp với các quy định khác của pháp luật hiện hành, đặc biệt là quyền về hình ảnh của cá nhân” – Luật sư Vũ cho hay.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền về hình ảnh của mỗi cá nhân là quyền nhân thân, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, mặc dù là sử dụng chân thật, đúng mục đích còn phải được người đó đồng ý, huống chi “chế ảnh” xúc phạm danh dự,nhân phẩm của họ. Nếu “chế” ảnh gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; thậm chí nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống do “chế” ảnh để bịa đặt, xúc phạm danh dự của người khác.

Luật sư này cho rằng quy định cấm “chế” ảnh phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm danh nhân, tổ chức, cá nhân khác là cần thiết và phù hợp và quy định này không làm hạn chế quyền tự do sáng tạo của các tác giả nhiếp ảnh.

“Tự do sáng tạo, sáng tác cũng phải trong khuôn khổ pháp luật và luôn luôn bị giới hạn bởi tự do của người khác. Không có cái gọi là sáng tạo hay nghệ thuật dựa trên sự xuyên tạc lịch sử, xúc phạm danh nhân, xâm hại đến quyền nhân thân, danh dự, nhân phẩm của người khác” – ông Vũ nhấn mạnh.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, nhiều nơi trên 41 độ C
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 28.4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt khi có nơi trên 41 độ C.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm 'chế' ảnh phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm danh nhân