Chỉ còn một năm nữa là tròn trăm năm ngày cải lương ra đời trên Đất Việt. Dù lúc vàng son hay lúc bế tắc, cải lương vẫn được giữ lửa để âm thầm cháy và như một mạch nguồn lặng lẽ chảy giữa thời gian, qua bao thế hệ mến yêu lời vọng cổ…

Cảm động những tấm lòng yêu cải lương phải chòi đạp giữa thời khốn khó

DDVN | 22/07/2016, 07:01

Chỉ còn một năm nữa là tròn trăm năm ngày cải lương ra đời trên Đất Việt. Dù lúc vàng son hay lúc bế tắc, cải lương vẫn được giữ lửa để âm thầm cháy và như một mạch nguồn lặng lẽ chảy giữa thời gian, qua bao thế hệ mến yêu lời vọng cổ…

Má tôi, dân Hóc Môn, mê cải lương số một. Trong nhà tầng nào tôi cũng để tivi cho má coi cải lương cho tiện, tuổi cao lên xuống lầu mệt. Lâu lâu có chương trình hấp dẫn là tôi đưa má đi coi. Má vui như hồi trẻ, dặn nấu cơm sớm để má ăn sớm, như ngày má còn thiếu nữ, ăn sớm để ra sân đình coi hát lúc có đoàn về diễn…

Khó nhưng không buông

Mấy năm nay ít chương trình lớn, tuổi má cũng cao, nên chủ yếu má ở nhà coi cải lương qua tivi. Mới hôm trước về miền Tây cùng con cháu du lịch, má biết chuyện cải lương rõ hơn khi ở các tỉnh, nhiều nhà hát không sáng đèn, nghệ sĩ sống vất vả. Cải lương chỉ hiện diện ở một số địa điểm du lịch qua hình thức đờn ca tài tử. Nhưng với má, cải lương vẫn sống, má vẫn yêu đào kép dù vang danh một thời hay mới nổi chưa đủ nhớ lâu tên tuổi. Sau giai đoạn khá huy hoàng từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, cải lương bắt đầu đi xuống.

Tại TP.HCM, các đoàn rơi rụng dần chỉ còn Nhà hát Trần Hữu Trang tồn tại, hoạt động cầm chừng. Không để cải lương tàn lụi, các nghệ sĩ tìm cách cứu cải lương. NSƯT Kim Tử Long mở công ty tổ chức các chương trình cải lương tổng hợp hoặc dàn dựng lại các tuồng từng ăn khách. Nghệ sĩ Vũ Luân tự bỏ tiền và thuê sân khấu Lê Thị Riêng để anh chị em làm nghề hay ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nỗ lực xây dựng một sân khấu cải lương định kỳ ở Nhà hát Nón Lá trong Cung Văn hóa Lao Động dù không thành công nhưng cũng đủ thấy được tâm huyết của họ với cải lương. Một địa chỉ khác của người yêu cải lương là sân khấu Sen Việt ở rạp Công Nhân do đạo diễn Lê Nguyên Đạt đầu tư.

Tại đây, đạo diễn này dựng vở "Cõi thiêng" và thực hiện chương trình "Mãi mãi đam mê" nhiều kỳ và từ đầu năm 2016, NSƯT Kim Tử Long tổ chức chương trình cải lương Về lại cội nguồn diễn định kỳ mỗi tháng một lần. Một tên tuổi mới là nghệ sĩ nhiếp ảnh sân khấu Lê Hoàng đã mạnh dạn mở sân khấu cải lương ở Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh trong năm 2016. Thay vì làm chương trình cải lương tổng hợp, trích đoạn thì Lê Hoàng mạnh dạn làm nguyên vở như Chung Vô Diệm, Ngọc Kỳ Lân… Ông bầu Châu Liêm cũng trở lại với chương trình cải lương tổng hợp diễn tại quận 6, cùng điểm diễn với sân khấu Kịch TKC của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi…

Xã hội hóa: lo và tin

Để giữ lửa cho cải lương phải kể đến công sức các cơ quan báo chí, các đài truyền hình hết lòng hỗ trợ. Dù thời buổi này mỗi giờ mỗi phút trên sóng được tính bằng tiền bạc đắt đỏ, vẫn có những chương trình được tổ chức gần như “cho không biếu không”, phát sóng trực tiếp mà nhà hát vẫn lèo tèo khán giả. Tương tự là trong các liên hoan sân khấu cải lương, dù vở diễn mới, mở rộng cửa cho khán giả vào xem nhưng không níu chân khán giả ở lại đến phút chót được. Hỏi khán giả, họ trả lời kịch bản không hay, nặng nề triết lý, diễn viên không “cháy hết mình”. Lý giải cho sự “ạch đụi” của các sân khấu cải lương theo mô hình xã hội hóa, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nói do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, cách tổ chức hoạt động chưa khoa học, còn manh mún và đơn lẻ.

Do đó có tình trạng chung là ráp nghệ sĩ vào cho đủ mặt đào kép rồi tìm vở diễn, tìm rạp thuê biểu diễn vài suất, sau đó là bế tắc, ngừng hoạt động. Nhìn thẳng thực tế không vui trên, song NSƯT Kim Tử Long vẫn có niềm tin vào mô hình xã hội hóa, là sự lựa chọn không thể khác để duy trì, phát triển nghệ thuật cải lương. Ông vẫn tin tưởng vào mô hình nghệ sĩ tự bỏ vốn đầu tư, cùng hùn vốn để dựng lại các sân khấu sáng đèn. Với các nghệ sĩ đích thực và người mộ điệu cải lương, cải lương có thể mai một, thăng trầm, biến động nhưng cải lương không thể mất, không thể chết. Như một mạch nguồn lặng lẽ, cải lương vẫn là dòng chảy ấm áp trong lòng khán giả, những người yêu cải lương với tất cả tâm hồn, thủy chung như nhất.

Mô hình mới: Liệu có khả thi?

Trong tháng 6 vừa qua, có hai tín hiệu vui cho cải lương: cải lương vào khách sạn sang trọng ở Sài Gòn và chương trình Tôi yêu cải lương ra mắt người mộ điệu. Chương trình biểu diễn ở khách sạn tổ chức tại Khách sạn Oscar đường Nguyễn Huệ, sân khấu trên tầng 11. Chương trình cải lương do Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Công ty Asia Media tổ chức vào tối thứ năm cách tuần (hai lần mỗi tháng). Tối 16/6, đêm diễn đầu tiên ra mắt với các tiết mục tưởng nhớ cố soạn giả Viễn Châu, nghệ sĩ biểu diễn các trích đoạn trong các vở nổi tiếng như: Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Ni cô và kiếm khách, Tình đẹp mùa chôm chôm... Chương trình Tôi yêu cải lương do Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp cùng sân khấu Idecaf và Nhà hát Bến Thành thực hiện, mở màn bằng khai diễn vở Trung thần (tác giả và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, chuyển thể: Hoàng Song Việt) lúc 20 giờ các đêm 26, 27/8 và 2, 3/9.

Trong buổi gặp gỡ báo chí tối vào những ngày cuối tháng 6, ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Sân khấu Idecaf chia sẻ rằng, đây là dự án phi lợi nhuận, không có ai làm bầu mà tất cả mọi người cùng chung tay chung sức để giữ gìn và phát triển nghệ thuật cải lương. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra định kỳ 2 tháng một lần, một lần diễn khoảng 4 suất tại Nhà hát Bến Thành. Với slogan "Rủ nhau đi coi cải lương", những người thực hiện chương trình Tôi yêu cải lương chuyển tải thông điệp: Khán giả luôn được trân trọng mời gọi thưởng thức các chương trình nghệ thuật nghiêm túc, hấp dẫn trong không gian sân khấu phù hợp. Còn quá sớm để đánh giá các sân khấu thử nghiệm nói trên sẽ thành công hay không và hiệu quả ra sao, song vẫn đủ cơ sở để tin rằng cải lương không chết. Sống hay chết của cải lương là do con người. Còn người yêu cải lương, còn nghệ sĩ tài năng và tâm huyết thì cải lương vẫn cháy.

Việt Quý / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hơn 3.000 diễn viên tham gia Festival múa sạp 'Rực rỡ sắc màu Tây Bắc'
2 giờ trước Văn hóa
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7.5.1945 – 7.5.2024), 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024), tối 5.5, tại Quảng trường 19.8 trung tâm Km5, thành phố Yên Bái diễn ra Festival múa sạp “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm động những tấm lòng yêu cải lương phải chòi đạp giữa thời khốn khó