Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh An Giang đang bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, giá phân bón cao ngất ngưỡng khiến nông dân sắp bỏ đất, còn các đại lý thì bị hiểu lầm là ghim hàng để lấy lời.

Cần bình ổn giá phân, tránh nguy cơ nông dân bỏ đất

Tô Văn | 02/11/2021, 06:42

Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh An Giang đang bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, giá phân bón cao ngất ngưỡng khiến nông dân sắp bỏ đất, còn các đại lý thì bị hiểu lầm là ghim hàng để lấy lời.

Nông dân sắp bỏ đất, đại lý bị hiểu lầm…

Chị Trương Thị Nga (46 tuổi, ngụ ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang – hiện đang canh tác 350 công đất trong vụ 3, lúa Đông Xuân. Chị Nga “than thở” cho rằng giá phân lên “huốt đỉnh” người dân sẽ bỏ đất nếu chính quyền không có giải pháp bình ổn giá phân.

“Mọi năm giá phân không bị ảnh hưởng, cao nhất từ 700 ngàn đồng/ bao là đỉnh điểm. Nhưng năm nay thì giá phân bây giờ đến thời điểm này là hơn 1 triệu đồng/ bao, sao mần nổi, trong khi giá lúa có lên đâu. Đây vụ 3, hiện đang sạ lại vụ Đông Xuân, kiểu giá phân như vậy thì chẳng lẽ đất nhà mình bỏ không làm, còn đất mướn thì khỏi nói làm sẽ lỗ nặng. Mà phân lên thì thuốc cũng lên theo thì người dân còn cách nào sống nổi”, chị Nga nói.

4-phan-bon.jpg
Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh An Giang  đang bước vào gieo sạ vụ Đông Xuân - Ảnh: Tô Văn
3-phan-bon.jpg
Giá phân bón "huốt đỉnh" nông dân sắp bỏ đất, đại lý bán phân bị hiểu lầm ghim hàng lấy lời - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo chị Nga mùa rồi giá phân đâu cao như năm nay. “Mấy hỗm rày, phân lên như diều gặp gió mà nhà nước không có cách để kiềm giá lại thì bà con nông dân sắp tới sẽ bỏ đất đi Bình Dương bán nước tương hết cho mà coi”, chị Nga bức xúc.

Tương tự một chủ đại lý bán phân bón tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết, hiện tình hình phân bón và kể cả thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá cao trong thời điểm dịch bệnh.

“Vừa rồi tôi có họp trực tuyến với UBND tỉnh An Giang, tôi cũng có tham dự. Nhưng qua báo cáo của ngành chức năng tỉnh thì bản thân thấy báo cáo cho rằng nguồn phân bón không thiếu, giá cả ổn định là không thực tế. Tính đến thời điểm này, phân bón trên địa bàn tỉnh An Giang đang bị thiếu trầm trọng, giá được đẩy lên rất cao”, chủ đại lý bán phân bón khẳng định.

Chủ đại lý bán phân bón cho biết thêm, thời điểm giá phân tăng cao nhất là thời điểm trong nước mình đang xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…(Dù mấy nước đó vẫn sản xuất được phân bón nhưng do tình hình dịch COVID-19 người ta không sản xuất được thì bên Việt Nam mới xuất khẩu qua có giá khá cao - PV). Vì vậy, các nhà máy phân bón (trực thuộc của Bộ Công thương quản lý) xuất khẩu liên tục nên trong nước không có nguồn cung đâm ra thiếu phân. Ngoài ra, nhà nước đã hiểu lầm các đại lý bán phân ghim hàng và đẩy giá cao để cho nông dân la làng.

“Hiện đến thời điểm này tôi đi mua phân tại các nhà máy không được nên không có phân để bán nông dân. Giá phân bây giờ tăng cao 120% so với thời điểm tôi họp trực tuyến với UBND tỉnh An Giang”, chủ đại lý bán phân bón nói.

Cũng theo chủ đại lý bán phân bón chỉ mong mỏi nhà nước giảm thuế “Tự vệ” về phân nhập khẩu từ các nước khác, tạo thuận lợi những thủ tục cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân. Bên cạnh đó phải bình ổn giá phân trong nước trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Đi tìm giải pháp

Một thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh (ngụ TP.Long Xuyên) cho biết, giá phân bón tăng cao trong giai đoạn hiện nay chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

“Về lâu dài tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại tổng cung cầu của từng năm; đồng thời, kết hợp với dự báo khả năng tiêu thụ để cân đối nguồn cung trong nước, quy ra tổng lượng cần nhập khẩu đảm bảo cung - cầu. Trường hợp tăng cầu đột biến thì chắc chắn có vấn đề, cần kiểm xem có hiện tượng găm hàng để tăng giá hay không (loại trừ yếu tố dịch bệnh bất khả kháng xảy ra). Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi liên kết với người nông dân, trong đó, doanh nghiệp đảm bảo vai trò cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân. Ngành nông nghiệp khuyến cáo và có giải pháp không để người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón nhằm tăng năng suất nhưng lại gây lãng phí, giảm thu nhập. Ngành công thương cần thực nghiệm mô hình trồng lúa không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đánh giá tính hiệu quả và nhân rộng mô hình (gạo sạch).

Đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, nó vừa đảm đảo thu nhập người nông dân vừa tránh hiện tượng trúng mùa mất giá bấy lâu nay”, thạc sĩ này nhận định.

2-phan-bon.jpg
Giá phân tăng cao chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân - Ảnh: Tô Văn

Ông Trần Thanh Hiệp – Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh An Giang cho rằng, sau khi giá nguyên liệu tăng, các hệ thống trong chuỗi logistics trong thời kì COVID-19 sẽ tác động đến giá thành.

“Để đảm bảo phân bón, thuốc cho người nông dân sử dụng, giá thành bình ổn trong giai đoạn dịch thì cần phải sự chung tay. Riêng hệ thống thanh tra sở, các lực lượng chức năng nói chung thì hiện nay mọi người đảm bảo hàng hóa đến tay người tiêu dùng là chất lượng, hợp pháp.

Trở lại câu chuyện giá phân, người nông dân là chủ thể, họ sẽ quyết định canh tác trên mảnh ruộng, thửa đất nào đó mà muốn có lợi nhuận thì họ là chủ thể quyết định. Hiện nay, giá phân nhảy nhót, việc sản xuất nông sản thì lại do quyết định yếu tố cung cầu. Vì vậy, người nông dân phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành tối đa. Như chú thấy đó, hiện nay ngoài phân, bón, thức ăn chăn nuôi đang tăng giá thì xăng, dầu cũng tăng từng ngày”, ông Hiệp nói.

1-phan-bon.jpg
Giá phân thuốc tăng cao nhưng giá lúa ngược lại nên nông dân gặp khó - Ảnh: Tô Văn

Ông Hiệp thông tin thêm, hiện nay sở đang khuyến cáo bà con áp dụng ruộng lúa bờ hoa, chương trình một khỏe năm giảm (giảm giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Sử dụng phân phải như thế nào?.

“Tôi lấy ví dụ: như phân đơn U rê, phân bón Phú Mỹ, Cà Mau hơn 800 ngàn đồng/bao, tương đương 18 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/kg. Như DAP Hồng Hà hôm nay gần 1,2 triệu đồng/bao. Như vậy tính bình quân lượng nông dân sử dụng phân bón trên diện tích nhất định thì lượng 500kg/1 héc ta nếu quy ra tiền thì rất là nhiều. Vì vậy, nông dân phải chuyển đổi thích ứng lại. Qua bài toán này, mình thấy phân đơn đang tăng, phân hỗn hợp NPK lại bình ổn. Sở đã khuyến cáo người dân giảm sử dụng phân đơn thay vào đó sử dụng phân hỗn hợp, phân bón hữu cơ để giữ ổn định năng suất của mình. Chứ canh tác theo hướng của nông dân thì phải xem lại để thích ứng trong bối cảnh COVID-19”, ông Hiệp giải thích.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần bình ổn giá phân, tránh nguy cơ nông dân bỏ đất