Nhiều vùng nông thôn các huyện ngoại thành TPHCM đã thành khu đô thị, phố phường khang trang hiện đại. Trong khi đó, bộ máy chính quyền vẫn quản lý xã hội theo mô hình ấp, xã nông thôn, nên đã nảy sinh nhiều bất cập.
Khu đô thị nhưng vẫn là ấp
Khu đô thị mới Trung Sơn nằm liền kề khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) đã được xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị hoàn chỉnh, nhà cửa và hệ thống giao thông khang trang. Tại đây, hoàn toàn không còn là vùng nông thôn, không còn hộ nông sản xuất nông nghiệp, đã có trên 200 doanh nghiệp hoạt động, đã mọc lên các khu nhà ở cao tầng, biệt thự, nhiều nhà nghỉ, khách sạn. 100% hộ dân sống chủ yếu bằng các dịch vụ nhà nghỉ, buôn bán, sản xuất công nghiệp, hoặc là cán bộ - công chức. Mặc dù đã đô thị hóa từ lâu, nhưng đến giờ khu đô thị mới này vẫn còn là ấp 4B (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).
Tương tự, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) hiện đã chuyển thành đô thị hiện đại với hàng loạt cao ốc. Ngay đầu xã, dọc theo hai trục đường lớn Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương là những cao ốc 20 - 30 tầng san sát nối tiếp nhau, với quy mô hàng ngàn căn hộ. Khu vực huyện Bình Chánh và Hóc Môn cũng đô thị hóa nhanh chóng. Các xã, thị trấn dọc theo quốc lộ 1 và 22 như Bà Điểm, Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Tân Túc, Tân Kiên (huyện Bình Chánh) không còn dáng dấp của vùng nông thôn ven đô với nhà cửa xen lẫn vườn cây, mà đã là nhà phố san sát. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “Các địa phương trong huyện như Bình Hưng, Phong Phú, Đa Phước, Tân Túc, Tân Kiên, Phạm Văn Hai đều đã thành đô thị. Khi các đô thị, khu sản xuất công nghiệp thay dần ruộng vườn, đã thu hút nhân lực lao động đổ về, làm quy mô dân số của huyện tăng nhanh. Chỉ trong 10 năm, dân số huyện Bình Chánh từ 240.000 người tăng lên trên 600.000 người, chủ yếu là tăng cơ học. Những năm gần đây, tốc độ tăng dân số càng nhanh hơn, mỗi năm số lượng tăng tương đương dân số một xã”.
Nhu cầu chuyển mô hình quản lý
Sau khi đô thị hóa, mô hình quản lý xã, ấp đã như chiếc áo cũ quá chật, việc quản lý hành chính, an ninh trật tự, quy hoạch, xây dựng khu đô thị đã trở thành gánh nặng đè lên vai cán bộ chính quyền, công an cấp xã. Khi được hỏi về tình hình công việc, các cán bộ từ ấp, đến xã và huyện ở khu đô thị hóa đều nói: Quá sức! Hai điều bất cập lộ rõ nhất là mô hình quản lý khu đô thị bằng ấp, xã đã không còn phù hợp và chất lượng cán bộ công chức, nhân viên chưa đủ sức đáp ứng. Chỉ riêng việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở cho người dân cũng không dễ, bởi theo quy định hiện hành, cấp xã cấp giấy phép xây dựng cho hộ gia đình, trong khi với năng lực cán bộ cấp xã hiện nay sẽ gặp thách thức lớn khi xét cấp phép xây dựng nhà ở có quy mô tương đối lớn, yếu tố kỹ thuật phức tạp.
Ông Bùi Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phước Kiển, cho biết: “Xã có diện tích trên 1.500ha, tuy không quá rộng lớn nhưng có nhiều cao ốc, dân số đã lên đến 24.000 người. Mỗi khi có thêm một cao ốc được đưa vào sử dụng, dân số lại đột ngột tăng lên cả ngàn người. Đô thị hóa nhanh, có nhiều doanh nghiệp hoạt động, nên xã đã tự chủ nguồn thu, nhưng công tác quản lý, điều hành lại gặp không ít khó khăn”. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng cho biết: “Đảm nhiệm công việc từ cán bộ văn phòng UBND huyện, lãnh đạo xã, nay giữ chức vụ phó chủ tịch UBND huyện, tôi chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của huyện đã bộc lộ những bất cập của mô hình quản lý cũ. Điều cần thiết hiện nay là phải thay đổi mô hình quản lý phù hợp. Việc chuyển đổi chậm không chỉ khó khăn cho người dân, cán bộ quản lý mà làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển thành quận là xu thế tất yếu, do vậy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ chuẩn bị phương án cụ thể để khi có quyết định chuyển đổi là triển khai thực hiện ngay”.