Quyết định cho phép đổ triệu tấn "vật chất" xuống biển Bình Thuận, sát khu bảo tồn biển Hòn Cau, đang làm dấy lên nhiều tranh cãi, bức xúc và thậm chí cả phẫn nộ.

Cần có câu trả lời công khai, minh bạch

21/07/2017, 16:22

Quyết định cho phép đổ triệu tấn "vật chất" xuống biển Bình Thuận, sát khu bảo tồn biển Hòn Cau, đang làm dấy lên nhiều tranh cãi, bức xúc và thậm chí cả phẫn nộ.

Sự cho phép nếu do Bộ Kế hoạch Đầu tư hay Bộ Công thương thì người dân, dù không đồng ý, cũng ít thắc mắc. Đằng này, quyết định lại xuất phát từ chính Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT), cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên và môi trường của tổ quốc!

Để trả lời các bức xúc của dân chúng, các nhân vật có trách nhiệm của Bộ TN-MT đã có những tuyên bố mà công chúng khá quen thuộc, đại ý như Bộ đã nghiên cứu kỹ và thấy không có ảnh hưởng xấu tới môi trường, Bộ chịu trách nhiệm…

Tuy nhiên, trong khi Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc khẳng định với báo Pháp luật TP.HCM rằng “Bộ đã khảo sát chi tiết khu vực 30 ha cấp phép cho hoạt động nhận chìm này” và “hệ sinh thái biển dưới đó chỉ có cát”, “không có các hệ sinh thái, sinh vật như cỏ biển, san hô hay khu vực mà sinh vật biển sinh sản”, thì các hình ảnh về một môi trường sống giàu có và tươi đẹp dưới đáy biển được các thợ lặn ghi lại và VTC14 tung ra…

Tôi thực sự rung động bởi vẻ đẹp của thế giới sống đẹp đẽ và phong phú này của tổ quốc Việt Nam! Chắc rằng nhiều người Việt khi xem tài liệu có cùng cảm nhận và thấy có trách nhiệm bảo vệ và phát triển môi trường sống giàu có này cho bây giờ và cho mai sau. Xin mời quí độc giả cùng xem hai tấm hình dưới đây:

Tác hại của sự kiện

Theo tôi, đây là một sự việc rất, rất nghiêm trọng. Nếu tài liệu của VTC14 là sự thực và chỉ ra rằng ông thứ trưởng đã nói điều không có thật thì thật là tai hại. Bởi vì nó sẽ gây ra các hệ quả rất xấu cho đất nước, cho người dân và cả cho chính phủ:

1) Nó cho thấy một sự bất cẩn, một sự vô trách nhiệm xuất phát từ vị trí rất cao trong chính phủ. Trong nền văn minh hiện đại, bảo vệ môi trường là một trách nhiệm, một đạo đức lớn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính phủ phải tôn trọng.

2) Nó khiến lòng tin của dân chúng vào chính phủ bị tổn thương nghiêm trọng. Chắc không ít người đặt lại câu hỏi về tính trung thực của các tuyên bố, kiểm tra… của Bộ TN-MT trong quá khứ, nhất là trong sự kiện Formosa bùng phát cách đây hơn một năm. Bộ có thể vẫn giữ nguyên các tuyên bố và quan điểm của mình, nhưng lòng tin của dân chúng lại theo kinh nghiệm cha ông: “một lần bất tín…”

3) Nó cho thấy Bộ đã không đếm xỉa gì tới một trách nhiệm rất quan trọng của bất kỳ chính quyền nào là bảo vệ đạo đức cốt lõi của quốc gia, đó là tính trung thực vốn là một đạo đức căn bản kết nối các thành viên trong xã hội với nhau!

Đề nghị các việc cần làm

Quá nhiều sự việc xảy ra gần đây khiến người dân cảm nhận hành động và lời nói của các quan chức cao cấp không đi đôi với nhau. Chỉ trong lời nói thôi, nhiều khi lời nói sau phản lại lời nói trước, lời nói của vị này ngược với của vị kia, lời nói của quản lý hành chánh không trùng hợp với lời nói của chuyên gia một cách đáng ngạc nhiên! Trong lãnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên, lòng dân và hành động của Bộ TN-MT đang có độ chênh đáng kể. Trong chuỗi các diễn biến có liên quan tới việc “nhấn chìm vật chất” đầy tranh cãi này, cùng với tài liệu về đời sống dưới đáy biển kể trên, tiến sĩ Nguyễn Tác An và 2 nhà khoa học khác lại vừa lên tiếng rằng họ đã bị mạo tên “trong việc lập hồ sơ dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ở vùng biển Bình Thuận”. Một scandal lớn tiếp theo một scandal lớn đang còn nóng hổi! Tất cả đều cùng một hướng khiến công chúng cảm nhận sự khuất tất!

Là người không thể kiểm chứng xem vị thứ trưởng có nói sự thật hay không, xem khẳng định của ông có mâu thuẫn với tài liệu do VTC14 trưng ra hay không, tôi rất mong muốn nghe tiếng trả lời chính thức của Bộ. Cùng lúc Bộ cần trả lời tuyên bố của Tiến sĩ Nguyễn Tác An và 2 nhà khoa học kia.

Đã có những lần, các thắc mắc tương tự không nhận được câu trả lời của giới chức trách. Hoặc sự việc bị lơ và để “cứt trâu hóa bùn”. Hoặc giới chức trách cho rằng "đó là trách nhiệm của chúng tôi, các anh bên ngoài đừng xen vào". Chính Thứ trưởng Ngọc vừa tuyên bố “Chúng tôi có trách nhiệm với môi trường, các bạn không nên đặt những câu hỏi kiểu như vậy”. Theo tôi, cách trả lời như thế là không nên, không phải, trốn trách nhiệm, ít nhất là trách nhiệm giải trình với dân, và tạo tiền lệ rất xấu.

Bộ TN-MT nên tổ chức trình bày công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông với các bên phản biện để dân chúng được hành xử cái quyền dân biết, dân bàn, dân kiểm tra! Chỉ có công khai mới bày tỏ được với dân chúng tấm lòng ngay thẳng và tận tâm của Bộ TN-MT, nếu quả thật như thế. Tôi nghĩ người dân cần Bộ TN-MT trả lời thẳng thắn hai vấn đề:
1) lời nói của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc và tài liệu của VTC14, cái nào đúng? Thảm sinh vật phong phú dưới đáy biển nằm bên trong hay bên ngoài khu vực Thứ trưởng tuyên bố “đã khảo sát chi tiết” và “hệ sinh thái biển dưới đó chỉ có cát”?
2) có phải Tiến sĩ Nguyễn Tác An và 2 nhà khoa học khác bị mạo danh như họ lên tiếng hay không?

Nếu Bộ quả thực có làm việc, có nghiên cứu… như Thứ trưởng Ngọc nói thì câu trả lời rất đơn giản và phải có sẵn để trình ra trước dân chúng. Việc công khai câu trả lời sớm nhất là trách nhiệm của Bộ với dân chúng, trách nhiệm của Bộ với tài nguyên môi trường của đất nước, trách nhiệm của Bộ với lương tâm chức vụ…

Sự việc đã xảy ra không hay chút nào, nhưng có thể nó cho thấy một thực trạng tồn tại đã từ lâu. Đây chính là cơ hội để chính phủ lấy uy tín bằng các biện pháp xử lý sự cố, xử lý khủng hoảng. Hoặc là minh bạch sự đúng đắn của mình, hoặc là chấn chỉnh và cải tổ lại bộ máy. Tôi nghĩ tầm quan trọng của sự việc đáng để các cấp lãnh đạo rất cao của đất nước lên tiếng. Sự chân thành luôn là biện pháp tốt nhất để chiếm được lòng dân!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có câu trả lời công khai, minh bạch