Cuối năm 2010, sự đổ bể không thể gượng nổi của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã đến mức ở bờ vực phá sản sau những gì tập đoàn này gây ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã ký Quyết định số 2018 /QĐ/TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Gần 7 năm sau nhìn lại, tôi có cảm nhận đề án tái cơ cấu này thất bại nhiều hơn là thành công.

Vinashin, Vinalines và PVN: Ai giải cứu được ai?

16/07/2017, 13:15

Cuối năm 2010, sự đổ bể không thể gượng nổi của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã đến mức ở bờ vực phá sản sau những gì tập đoàn này gây ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã ký Quyết định số 2018 /QĐ/TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam. Gần 7 năm sau nhìn lại, tôi có cảm nhận đề án tái cơ cấu này thất bại nhiều hơn là thành công.

Tôi chưa quên được tại diễn đàn Quốc hội ở phiên cuối của nhiệm kỳ ngày đó, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Thủ tướng trình bày đường hướng khắc phục hậu quả sự đổ bể của Tập đoàn Vinashin với sự tự tin rằng đến khoảng năm 2013 thì các đơn vị được tái cơ cấu sẽ cắt lỗ và có lãi (?!).

Tiếc rằng cho đến 4 năm sau nữa, tình hình vẫn không hề sáng sủa hơn và đề án nói trên về cơ bản là thất bại. Cuộc "hợp hôn miễn cưỡng" giữa Vinashin ngày đó với Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam); giữa Vinashin với PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) thật không vui gì.

Nói ví dụ như, ngay ngày đó "con tàu” Vinalines vốn đã không còn ở thời kỳ hoàng kim. Nó cũng đang chòng chành trước các con sóng lớn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giá cước tàu trên thế giới suy giảm đáng kể, không đủ bù đắp chi phí. Hoạt động kinh doanh của Vinalines không có lãi và lỗ nặng khi nhận chuyển giao các công ty từ Vinashin.

Các đội tàu của Vinashin bàn giao cho Vinalines hầu hết đều "chết" hoặc phải thanh lý rẻ như bèo. Lúc Vinashin còn "sóng yên biển lặng", họ rước con tàu chở khách Hoa sen vốn đã cũ, được mông má lại. Vậy mà mua với giá “trên trời" tầm 1.300 tỉ đồng. Tàu không hoạt động kinh doanh được nhưng vẫn phải duy trì đội thợ để nổ máy bảo dưỡng định kỳ và trông coi tài sản. Lại kèm thêm tiền trả bến đỗ quanh năm không rời cảng nên càng khiến cái "cục nợ" ngày một nặng nề thêm cho Vinalines hết năm này qua năm khác. Nó khiến Vinalines tốn thêm rất nhiều chi phí. Cuối cùng, nghe đâu cũng may là Công ty Vinashinlines đã bán được tàu Hoa Sen cho hãng Steana Roro bên Thụy Điển với giá chỉ bằng 1/3 giá mua và bán các tàu khác để cắt lỗ mà đã mừng như trúng số độc đắc.

Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines là Giang Kim Đạt tham ô, ăn chênh lệch giá trong nhiều vụ mua bán các con tàu cho Vinashin trước khi sáp nhập, trong đó có tàu khách Hoa sen. Đầu năm rồi, y và đồng bọn bị toà án Hà Nội xử, tài sản tham ô riêng phần Đạt đã trên 16 triệu đô la. Rồi đây nhà nước có thể sẽ thu được hàng chục triệu đô la từ cha con Đạt và đồng phạm khác từ tiền gửi ngân hàng và gần 40 căn nhà cùng biệt thự y mua ở Singapore bằng tiền tham ô... Tuy nhiên, toà lại tuyên chuyển cho Vinashin số tài sản này khiến nhiều người khó hiểu bởi nó đã được bàn giao cho Vinalines quản lý.

Mục đích ban đầu của đề án tái cơ cấu Vinashin đã nói rõ, đó là: Sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển. Tập trung vào 3 lĩnh vực chính: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Xây dựng Tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thế nhưng đến giờ, nhiều doanh nghiệp thuộc Vinashin cũng không gượng nổi. Kéo theo nó là Vinalines như tôi vừa nêu.

Đối với PVN, vốn là một tập đoàn chủ lực của nền kinh tế nước nhà, việc chính phủ "gả con" của Vinashin cho PVN cũng không khá hơn. Bên cảnh việc "gả con" gượng gạo này, PVN cũng đã có những bước đi sai lầm mà có lẽ điển hình phải kể là nhà máy đóng tàu Dung Quất, Quảng Ngãi. Nhà máy đã đầu tư 5.000 tỉ đồng này đang trở thành thảm họa của PVN dù họ mạnh hơn Vinalines đến hàng trăm lần . Song có lẽ cũng do tin quá mức về tiềm lực của mình, họ vui vẻ hứa hẹn trước Thủ tướng sẽ tái cấu trúc ngon lành giúp Chính phủ.

Tiếc rằng Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã và đang có nguy cơ chết chìm. Hàng ngàn người có nguy cơ mất việc. Làm cầm chừng, lương chỉ bằng phân nửa so với trước, nhưng 1.200 cán bộ nhân viên ở đây cũng không biết đi đâu khác. Trong khi đó, quyết định của Thủ tướng nêu rất rõ yêu cầu khi tái cơ cấu: “Không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính".

Tôi thấy mừng khi tối 11.7 vừa rồi, VTV1 đưa thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hà Lan. Ông đã gợi ý họ nên tìm hiểu để mua nhà máy đóng tàu của chúng ta ở các tập đoàn, tổng công ty hiện có. Chủ trương của Chính phủ là sẽ cho phá sản nếu làm ăn bết bát, có bơm tiền thêm nữa thì cũng khó hồi phục, theo tôi là rất sáng suốt. Không nên, không thể làm kinh tế theo tư duy chính trị kiểu sĩ diện ngày xưa được nữa rồi. Thà đau một lần còn hơn để nó dặt dẹo. Biết là "chờ chết đem chôn" đấy nhưng thi thoảng lại cho "ngậm sâm" thì thật vô cùng tệ hại!

Theo báo cáo tài chính của Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), tại thời điểm bàn giao từ Vinashin về PVN ngày 30.6.2010, vốn điều lệ của công ty này là hơn 3.758 tỉ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên tới 1.235 tỉ đồng và tổng khoản nợ phải trả 7.440 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng 4.800 tỉ đồng (70% vay bằng ngoại tệ). DQS khi đó được đánh giá là mất cân đối về tài chính, không có khả năng thanh toán nợ.

Sau khi được bàn giao từ Vinashin về PVN, đến nay PVN đã "bơm" cho DQS 5.095 tỉ đồng, bao gồm 1.900 tỉ đồng góp vốn điều lệ và 3.104 tỉ đồng để thanh toán nợ. Vậy mà vẫn chết chìm.

Tôi được biết, 6 doanh nghiệp và dự án mà Vinashin bàn giao cho PVN, được ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc tập đoàn này đánh giá là phù hợp với tập đoàn của mình như Khu công nghiệp tàu thuỷ Lai Vu - Hải Dương, bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn - Thanh Hóa, bao gồm cả Ban quản lý dự án Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị Nhơn Trạch - Đồng Nai; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp - Tiền Giang; phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh - Nam Định và trong các dự án do công ty này làm chủ đầu tư.

Khi có người hỏi, ông Nam từng nói hùng hồn: Tuy nhiên, do Vinashin không góp vốn thực tế tại Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh - Nam Định mà chỉ góp vốn bằng thương hiệu nên PVN đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý cho phép không tiếp nhận phần góp vốn của Vinashin tại công ty này (Thông báo số 298/TB – Văn phòng Chính phủ ngày 9.11.2010). Như vậy, trên thực tế PVN chỉ tiếp nhận 5 doanh nghiệp/dự án. Ngày 21.10.2010, PVN và Vinashin đã ký biên bản bàn giao các doanh nghiệp/dự án trên.

Ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp/dự án được điều chuyển có phù hợp với PVN hay không? Việc tiếp nhận và hoà nhập các doanh nghiệp trên vào PVN có ảnh hưởng gì tới kết quả sản xuất kinh doanh của PVN? Đến nay, liệu có doanh nghiệp nào, dự án nào đã làm cho PVN có thể hãnh diện do mình đã góp công "giải cứu?".

Chỉ vậy thôi là đủ hiểu câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp giữa 3 “người hùng” từng được phong là “những quả đấm thép của nền kinh tế " nước nhà giờ ra sao? Tôi cho rằng Đại hội Đảng lần thứ 12 gần đây lẽ ra sau một nhiệm kỳ thì cũng nên có những nhận định về bài học xương máu này. Tiếc rằng điều này lại chưa được mổ xẻ thật nghiêm túc và quy trách nhiệm rõ ràng để sau này tránh tái phạm. Đã đến lúc cần sớm đưa việc này ra tổng kết xem đã có ai cứu được ai?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vinashin, Vinalines và PVN: Ai giải cứu được ai?