Và vì vậy, cho dù có tới 4 bánh hẳn hoi, nhưng những chiếc ô tô của các quan chức cũng cần được “tập đi, tập đỗ”. Còn các quan chức ngồi trên đó cũng cần tập có kỹ năng, hành vi thấm nhuần tinh thần luật pháp, trong đó có kỹ năng “văn hóa phát ngôn”.

Chiếc ô tô và ‘văn hóa quan chức’

20/07/2017, 10:58

Và vì vậy, cho dù có tới 4 bánh hẳn hoi, nhưng những chiếc ô tô của các quan chức cũng cần được “tập đi, tập đỗ”. Còn các quan chức ngồi trên đó cũng cần tập có kỹ năng, hành vi thấm nhuần tinh thần luật pháp, trong đó có kỹ năng “văn hóa phát ngôn”.

Chiếc xe chở trung tướng Liêm vào thời điểm bị CSGT bắn tốc độ - Ảnh: Công an cung cấp

Rất lạ, không hiểu sao, chuyện chiếc ô tô bây giờ như có “dớp”.

“Ô tô ơi, vỡ nát rồi còn đâu”…
Bởi mới tuần trước dư luận xã hội ồn ào bàn luận về vụ một ông Phó Giáo sư, nguyên là quan chức một bệnh viện lớn đóng trên đất Thủ đô bất ngờ có “kỹ năng” kiểu… luật rừng. Khi ông ngang nhiên vác gạch ra đập nát kính trước và làm gãy hai chiếc gương chiếu hậu của chiếc xe Innova đỗ trước cửa nhà ông. Chủ của chiếc xe Innova là một giám đốc người Nhật Bản có trụ sở ở Bắc Ninh, bận vào quán massage gần đó. Ngay sau vụ việc xảy ra, công an phường và ông Phó Chủ tịch phường Láng Hạ (Đống Đa), địa bàn xảy ra vụ việc có mặt. Chả biết “họ nói nhau, họ bàn nhau” những gì mà ông chủ người Nhật và ô tô “cũng đi về”.

Chợt nhớ ca khúc “Xe đạp ơi” của Ngọc Lễ- Phương Thảo nổi danh một thời: “Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!”… Chả lẽ giờ đây, ông giám đốc người Nhật hát thầm trong cabin “ô tô ơi, vỡ nát rồi còn đâu”?

Cho dù trên các trang mạng xã hội- phản đối hay bênh vực hành động luật rừng đó của ông nguyên Phó GĐ bệnh viện nọ kẻ tám lạng người nửa cân thì dư âm vụ việc vẫn là cái mất nhiều hơn cái được. Bởi văn hóa của ông “nguyên” quan chức đó hình như chưa thật xứng tầm với chức danh Phó GS, Phó Giám đốc bệnh viện nổi tiếng, nơi mà các bệnh nhân biết rất rõ ông.

Thì trong tuần này, ngẫu nhiên dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông bàn rất dữ hai vụ việc cũng liên quan đến chiếc ô tô.

Sếp chỉ có đúng trở lên?

Vụ thứ nhất cũng đơn giản không kém, xung quanh chuyện đỗ ô tô: Đó là vụ bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân đi ăn trưa cùng một cô bạn tại phố Nguyễn Quý Đức.

Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ thế nếu như chiếc ô tô của bà này không đỗ sai với quy định- chắn hết phần đường ngay khúc cua của một quán café của người dân. Nếu như chiếc ô tô của bà cũng biết “phục thiện”, đỗ đúng chỗ kiểu ăn trông nồingồi trông hứơng- như cha ông ta từng răn dạy về sự ý tứ của con người, nhất là phụ nữ. Nếu hai người đàn bà đều có chức quyền, ngoài bà Lê Mai Trang- Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, người lái xe bạn bà- là Huỳnh Thị Mỹ Dung, Giám đốc Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình quận, ý tứ “ăn trông đường, ngồi trông hướng”.

Đằng này, sau phút đôi co với dân, bà Lê Mai Trang rút luôn điện thoại gọi đi đâu đó, rồi cả hai bỏ xe, đi thẳng vào quán ăn gần đó. Mặc dù sau này, trên báo chí bà phân bua "Không có chuyện điều động các đồng chí chủ tịch phường, trưởng công an phường ra trông xe cho tôi ăn bún" (Tamnhin.net, ngày 14/7), thì việc ngay sau phút bà gọi điện, các đồng chí đó xuất hiện ngay, nghiêng ngó như canh giữ chiếc ô tô, và hành động chu đáo này được camera quay lại tại chỗ, cũng khiến cho người dân cho rằng bà rất… sang chảnh - cái khái niệm thời thượng bây giờ chỉ thái độ của những người có “đẳng cấp” trong xã hội - hoặc có vị trí quyền lực, hoặc giầu có.

Vụ việc càng trở nên ầm ĩ, nếu như không có chuyện, một công an phường xuống yêu cầu chị chủ quán café - Đinh Hải Lý- lên xin lỗi, vì chị này vô tình đã đôi co với bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân. Đọc thông tin, người viết bài lấy làm lạ về cách xử lý “văn hóa ngược” - trắng đen lẫn lộn. Ai là người có lỗi ở đây? Chả lẽ cứ có chức quyền thì sếp chỉ có đúng trở lên?

Lẽ phải “nghiêng hết ấy mấy về bên… ai?”

Chuyện thứ hai, cũng liên quan đến chiếc ô tô, nhưng không phải là ô tô đỗ, mà là ô tô phóng nhanh so với tốc độ quy định. Đương nhiên ô tô đã phóng nhanh thì lập tức bị “tuýt… tuýt, yêu cầu đồng chí cho xem giấy tờ xe”… Nhưng vụ việc này có phần phức tạp hơn, đến giờ, trên các báo điện tử, các trang mạng xã hội vẫn liên tiếp tung ra chủ đề này. Một phần để câu view, và một phần bởi chưa rõ lẽ phải nghiêng hết ấy mấy về bên …ai?

Phức tạp bởi một bên là một quan chức cao cấp. Một bên chỉ là anh cảnh sát - người có nhiệm vụ chặn chiếc xe mà trên đó có quan chức cao cấp ngồi, để kiểm tra do xe chạy quá tốc độ.

Phức tạp bởi khi vụ việc tóe loe trên báo chí, thì sếp nói sếp phải, lính nói lính hay.

Thế nhưng, cứ theo thông tin của các báo dồn dập đưa, thì những lời nhục mạ của ông quan chức cao cấp nọ với anh cảnh sát qủa là không mấy “lịch sự”: Mày không có quyền kiểm tra! Mày không đủ tư cách. Cỡ Giám đốc (của) mày, tao cũng cách chức được nè”.Điều đáng nói, tài xế xe này đã không chấp hành mà còn lái xe bỏ chạy với tốc độ cao. Và khi buộc phải dừng lại, lái xe này đã không thèm xuống. Mày - tao là cách xưng hô thân mật. Nhưng ở ngữ cảnh này, lại là cách miệt thị người khác, nhất là khi anh cảnh sát đang phải làm nhiệm vụ. Một quan chức cao cấp mà ứng xử miệt thị người thi hành công vụ. Liệu điều đó có quyền? Chả lẽ, ở vụ việc này nữa, sếp chỉ có đúng trở lên?


Thế nhưng, kết cục của hai vụ việc liên quan đến ô tô vẫn có vẻ hơi khác nhau: Nếu ở vụ việc thứ nhất, bà Lê Mai Trang Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân bị Quận ủy yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Và trong báo cáo với Thành ủy Hà Nội, Quận ủy, dựa trên trích xuất dữ liệu camera và giải trình các bên, khẳng định việc đỗ xe của bà Huỳnh Thị Mỹ Dung là sai quy định. Được biết, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung cũng đã nhận sai và xin nộp phạt.

Thì ở vụ việc quan chức cao cấp nọ, đến nay sếp của anh cảnh sát giao thông phải báo cáo cấp trên (cấp Bộ) để xin ý kiến. Một xã hội pháp luật là thượng tôn, cơ quan chức năng hoàn toàn có toàn quyền xử lý theo những quy định của luật pháp. Vậy nhưng ở đây phải xin ý kiến cấp trên chỉ vì liên quan đến quan chức cao cấp? Một vụ việc nhỏ nhưng cách xử lý bộc lộ “lỗi hệ thống” rất đáng buồn.

Bởi chân lý còn phải “người trên trông xuống người bên trông vào” chăng?

Bình luận về hai vụ việc này trên báo NLĐ, ngày 17.7, ở góc độ cơ chế, tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH) cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của hai hiện tượng nói trên là sự tha hóa của quyền lực. Khi một thời gian dài quyền lực đã biến ai đó trở thành bất khả xâm phạm thì trở về với vị thế của một công dân bình thường là rất khó khăn. Đối với rất nhiều quan chức, quá trình chuyển từ "quan nhất thời" về với "dân vạn đại" diễn ra đầy trăn trở và đau đớn. Bị áp đặt phải tuân thủ pháp luật như một công dân bình thường là chuyện có thể gây sốc. Và việc chửi bới CSGT chỉ là một trong những hiệu ứng còn sót lại của chức quyền.

Trường hợp bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, cách ứng xử của bà trước việc đỗ xe sai quy định cho thấy, bà vừa muốn giải quyết được khâu oai vừa để cho mọi người thấy mình quan trọng như thế nào. Và đó chính là “triệu chứng” quyền lực làm tha hóa phẩm cách”.

Còn người viết bài cho rằng, ở góc độ nhân sinh, "phông" văn hóa của cả hai vị này đều có vấn đề. Mặc dù, rất có thể các vị có đủ các loại văn bằng chuyên môn, nghiệp vụ, bằng cấp chính trị và đi lên chiếc ghế quyền lực rất “đúng quy trình”, nhưng “phông" văn hóa có khi lại nằm ngoài những bằng cấp cần có. Bởi nó là sự giáo dục và tự giáo dục trên hành trình cuộc đời, bằng sự “dọn mình” và trau dồi nhận thức trước đạo lý đúng sai thông thường, đôi khi chưa cần đến lý lẽ của pháp luật.

Và vì vậy, cho dù có tới 4 bánh hẳn hoi, nhưng những chiếc ô tô của các quan chức cũng cần được… tập đi, tập đỗ. Còn các quan chức ngồi trên đó cũng cần tập có kỹ năng, hành vi thấm nhuần tinh thần luật pháp, trong đó có cả kỹ năng “văn hóa phát ngôn”.

Kỳ Duyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc ô tô và ‘văn hóa quan chức’