Tôi là người đã nhiều lần kiến nghị để cho báo chí chính thống được có điều kiện thông tin nhanh nhạy hơn, phản biện đúng đắn về các vấn đề kinh tế xã hội nóng hổi, góp phần để cho người đọc tiếp cận thông tin đa chiều và kịp thời.
Thế nhưng, báo chí chính thống của ta vẫn bị chậm về thông tin thời sự. Điều đó làm cho hệ thống báo chí thiếu linh hoạt, không đáp ứng được nhu cầu thông tin của quần chúng nhân dân. Do đó, các mạng xã hội có điều kiện thông tin kịp thời, nhanh nhạy hơn, thu hút người đọc đông hơn.
Mạng xã hội, như tôi đã nói, có nhiều ưu điểm, như phổ cập được kiến thức nhiều mặt cho nhu cầu đời sống người dân, làm cho sự giao lưu trong cộng đồng được thông suốt, phổ biến các thông tin về khoa học, công nghệ, tin tức thời sự cũng như những phản biện cần thiết của trí thức cho Chính phủ.
Thế nhưng, mạng xã hội ngày càng bộc lộ những lỗ hổng chết người, bởi vì trình độ trong xã hội khác nhau, áp dụng pháp luật không chặt chẽ và chư đủ chế tài để xử lý những mặt trái của nó, trong lúc nó trở thành một kênh thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Thậm chí, có khi mạng xã hội còn có ảnh hưởng hơn 1 tờ báo có giấy phép.
Thực tế, có những trang có trên hàng trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí chục triệu người đọc, mà chủ trang, nhiều khi có trình độ cao thấp không đồng đều. Đó là chưa kể có người còn có ý đồ dùng mạng xã hội để đe dọa, làm nhục công dân, trục lợi bất hợp pháp, gây hậu quả rất nặng cho quần chúng và công dân.
Tôi thiết nghĩ, ở Việt nam không có báo chí tư nhân, nhưng cho phép tình trạng mạng xã hội thiếu lành mạnh nghiêm trọng như hiện nay là khó chấp nhận. Mạng xã hội hiện nay tha hồ vu khống công dân lượng thiện cho đến những chính khách, những người nổi tiếng.
Trên cõi mạng, nhan nhản thông tin vu khống, bịa đặt những tin giựt gân còn nhằm mục đích câu view, câu like. Nay đăng tin bắt người này, mai nói doanh nghiệp này lừa đảo trốn thuế, mốt lại nói ông cỡ bự này nhiều nhà, nhiều đất, nhưng không bao giờ đưa ra bằng chứng cụ thể nào để chứng tực.
Ấy vậy, việc nay bịa đặt vu khống người này, mai người kia, nhưng hầu như không thấy ai xử lý. Nhiều tay viết loại đó ở nước ngoài viết vu khống công dân trong nước, làm cho có người tán gia bại sản, con cái tự vẫn, gia đình khốn đốn vì bị tin bịa đặt làm mất danh dự. Có doanh nghiệp yếu bóng vía, đem tiền cống nạp cho những tay viết ở nước ngoài để mua sự yên ốn.
Nếu chúng ta để cho mạng xã hội tiếp tục gây những hành vi nguy hiểm cho công dân, làm tổn thương danh dự công dân, gây ra mất ồn định đời sống người dân, mà luật pháp không đủ sức chế tài, thì đó chính là thảm họa.
Đã có một vụ kiện và đòi khởi tố một facebooker vu khống một tổ chức và một cá nhân nhận tiền của một tổ chức khác, facebooker này hoàn toàn bịa đặt và không có bất cứ một chứng cứ và vụ việc hoàn toàn sai sự thật. Khi công an vào cuộc, y xoá facebook (hoặc cũng có thẻ bị xóa do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng), y phủ sạch trách nhiệm rằng facebook cá nhân bị hack cho dù cả xã hội chứng kiến bài vu khống trên chính facebook của y vừa bị xoá trước đó không lâu.
Mặt trái của mạng xã hội bộc lộ những tai hại còn khủng khiếp hơn mặt lợi ích của nó đem lại. Chúng ta cùng suy nghĩ tìm giải pháp sao cho mạng xã hội và cả báo chí chính thống ngày càng phải mang lại hiệu quả cao cho người đọc và cho cả sự phát triển chung của toàn xã hội.