Giá xăng dầu trong nước tăng cao ngất ngưởng do chịu tác động bởi giá xăng dầu thế giới. Liên bộ Công Thương - Tài chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu để kiềm chế giá xăng dầu tăng.

Cần giảm các loại thuế phí về xăng dầu khi giá tăng cao

Tuyết Nhung | 26/10/2021, 18:01

Giá xăng dầu trong nước tăng cao ngất ngưởng do chịu tác động bởi giá xăng dầu thế giới. Liên bộ Công Thương - Tài chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu để kiềm chế giá xăng dầu tăng.

Như Một Thế Giới vừa đưa tin, từ 16 giờ chiều nay (26.10), giá xăng E5 RON92 tăng 1.427 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 1.459 đồng/lít, lên mức 24.338 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng mạnh. Dầu hỏa lên mức 17.637 đồng/lít, tăng 1.015 đồng. Dầu diesel lên mức 18.716 đồng/lít, tăng 1.171 đồng, dầu mazut lên mức không cao hơn 17.210 đồng/kg, tăng 113 đồng.

Liên bộ Công Thương - Tài chính lý giải thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng do nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, mức dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn qua.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đã chi từ 100 đồng - 2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không tăng chi Quỹ BOG với xăng E5 RON92 và không chi Quỹ BOG đối với xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 - 2.527 đồng/lít.

Do sử dụng Quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước biến động thấp hơn giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08 - 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23 - 52,59%.

Trước bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao ngất ngưởng, Liên bộ Công Thương - Tài chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Phương án được cơ quan điều hành đưa ra là sử dụng Quỹ BOG. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu sử dụng Quỹ BOG vốn đã cạn kiệt thì việc kìm giá xăng dầu trong nước tăng trước biến động của thị trường xăng dầu thế giới như hiện nay là điều không khả thi.

Hơn nữa, người dân và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 kéo dài. Hành động quyết liệt của cơ quan quản lý là điều quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, giới chuyên gia đề xuất cần tính toán giảm các loại thuế phí, cụ thể là thuế bảo vệ môi trường đang chịu mức cao bất hợp lý.

Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đang chiếm khoảng 32% với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với dầu. Dẫn chứng cụ thể là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 RON 92 đang ở mức 3.800 đồng/lít. Trong khi đó, tỷ trọng thuế phí trong giá xăng dầu đang ở mức cao, chiếm khoảng 55 - 60% với mặt hàng xăng và 35 - 40% với mặt hàng dầu.

Bất cập ở đây chính là tính thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học E5 theo giá trị tuyệt đối với mặt hàng xăng sinh học. Giới chuyên gia cho rằng không nên tính toán một cách cơ học như vậy mà phải dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5. Đó là cần đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng E5 RON92 dựa theo mức độ phát thải là khoảng 60 - 70%.

Tuy nhiên, đã rất nhiều lần các bộ ngành góp ý, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhưng bộ này vẫn "phớt lờ" và cho đến giờ vẫn chưa có phản hồi nào về việc xem xét, tính toán giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Hiện cơ cấu giá xăng bán lẻ trong nước bao gồm 8 khoản: giá CIF tính thuế, thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn.

Bên cạnh đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường bất hợp lý, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét giảm các loại thuế phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Những loại thuế này đang chiếm khá cao trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan
Bộ Công Thương yêu cầu hạn chế tăng sốc giá xăng dầu
Bộ Công Thương vừa ra chỉ đạo khẩn yêu cầu hạn chế tăng giá xăng dầu đột biến, sử dụng quỹ bình ổn hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
2 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giảm các loại thuế phí về xăng dầu khi giá tăng cao