Nhìn hàng trăm con cá linh búng mình lên khỏi dòng nước chảy, người nông dân ở Đồng Tháp mỉm cười hài lòng với thành quả của mình. Nuôi cá linh đón lũ, không còn là câu chuyện quá khó hay phức tạp nữa.

30 ngày ‘thổi lớn’ cá linh non

Nguyên Việt | 25/10/2021, 18:16

Nhìn hàng trăm con cá linh búng mình lên khỏi dòng nước chảy, người nông dân ở Đồng Tháp mỉm cười hài lòng với thành quả của mình. Nuôi cá linh đón lũ, không còn là câu chuyện quá khó hay phức tạp nữa.

Từ dự án sinh kế mùa lũ cho người dân, Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) bắt tay vào thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá linh non trên ruộng lúa.

Ông Dương Phú Xuân - Trưởng phòng kinh tế TP.Hồng Ngự cho hay, cá linh, nhất là cá linh non là một đặc sản ở ĐBSCL có nhiều vào thời điểm đầu mùa lũ. Từ nhu cầu thực tế, Trường đại học Đồng Tháp đã nghiên cứu cho cá linh đẻ trứng thành cá bột nhỏ như sợi tóc và sau đó nuôi thử nghiệm trên đồng ruộng.

ca-linh-2.jpg
Nông dân ở Đồng Tháp thu hoạch cá linh từ dự án sinh kế mùa lũ - Ảnh: Nguyên Việt

Mùa lũ năm 2020, anh Bùi Chí Nhân (26 tuổi), sau khi được hướng dẫn kỹ thuật đã quyết định nuôi thử nghiệm cá linh non. Với hơn 8 hecta diện tích mặt nước, chỉ trong 30 ngày từ 5 triệu con cá bột (3 đồng/con), anh thu được gần 2,2 tấn cá linh non.

Vốn đầu tư thấp vì hạ tầng đã có sẵn là ruộng lúa, không phải lo thức ăn, anh Nhân chỉ dẫn nước vào và thả cá bột xuống rồi theo dõi chờ thu hoạch. Từ hàng triệu con cá bột mảnh như sợi tóc, sau 30 ngày “thổi lớn”, chúng trở thành cá linh non to bằng đầu đũa. Kích cỡ này của cá linh là ngon nhất để chế biến thành những món ăn đặc sản. Với thời điểm thu hoach và xuất bán đạt khoảng 130.000 đồng/kg, anh Nhân nhẹ nhàng đút túi hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

ca-linh-1.jpg
Cá linh có đặc điểm thích nước mát và dòng nước mạnh - Ảnh: Nguyên Việt

Từ thành quả đó, ông Dương Phú Xuân cho biết: "Trong mùa lũ năm tới địa phương sẽ mở rộng mô hình này để bà con vùng lũ tận dụng nước mặt ruộng bỏ không khi lũ về để nuôi cá linh non hoặc các loại cá nước ngọt khác".

Để tận dụng hạ tầng và nguồn lợi có sẵn, sau khi nuôi cá linh, mặt nước còn được trồng lúa và thả thêm tôm càng. Giống lúa được sử dụng trong dự án này là lúa mùa, có đặc tính mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt, nước cao đến đâu cũng có thể vượt lên được. Trong thời gian bắt đầu xuống giống lúa, ở một ao bên cạnh anh Bùi Chí Nhân cũng cho thả khoảng 300.000 con tôm càng xanh giống. Sau 3 tháng, những con tôm này phát triển, anh Nhân sẽ lựa những con tôm to bằng ngón tay, bẻ bớt càng (để tôm phát triển phần thịt) và thả vào ruộng lúa đang phát triển.

tom-cang-xanh.jpg
Tôm càng xanh được thả vào ruộng lúa mùa - Ảnh: Nguyên Việt

Những con tôm này lần lượt được thả vào ruộng lúa khi đạt kích cỡ và ở môi trường mới, nông dân không cần phải lo thức ăn. Tôm sẽ tự tìm thức ăn là ấu trùng quanh gốc lúa, các loại rong tảo khác… Mô hình này sẽ kết thúc vào cuối tháng 11, khi lúa trổ bông và tôm đủ lớn, nông dân sẽ cất vó.

Để duy trì mô hình này bền vững, ông Dương Phú Xuân cho biết địa phương đã có kế hoạch xây dựng làng nghề cá linh. Theo đó, ngoài bán cá linh non, cá linh với kích cỡ lớn hơn sẽ được dùng để làm mắm, nước mắm, cá hộp…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận
một giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận sớm thực hiện các trình tự thủ tục dự án, giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, báo cáo Chính phủ phê duyệt, bố trí vốn, đảm bảo hiệu quả.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
30 ngày ‘thổi lớn’ cá linh non