Tuyến đường dài 2,2 km, khi thi công chỉ còn 9 mét là hoàn thành, đã bất ngờ "khựng" lại vì 1 hộ dân nhất quyết đòi bồi thường, khiến chính quyền và bà con xung quanh kêu trời…

Cần Thơ: Dân khổ sở vì 9 mét đường làm mãi không xong

19/03/2020, 07:29

Tuyến đường dài 2,2 km, khi thi công chỉ còn 9 mét là hoàn thành, đã bất ngờ "khựng" lại vì 1 hộ dân nhất quyết đòi bồi thường, khiến chính quyền và bà con xung quanh kêu trời…

Đoạn đường bị chừa lại chưa thi công - Ảnh: Thiên Bảo

Gần đây, tại KV.Bình Trung, P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ, có 1 tuyến đường được xây dựng khang trang sạch đẹp chạy dọc theo sông Rạch Súc. Tuy nhiên, người đi đường lấy làm lạ, vì có một đoạn chừng vài mét được “chừa lại” không thi công, gây phản cảm và nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Theo tìm hiểu của PV, đây là tuyến giao thông quốc lộ 91B - cầu Rạch Củi - Võ Văn Kiệt. Tuyến đường này có chiều dài 2,2 km đi qua 145 hộ dân, từ nhiều năm qua đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho đời sống của người dân.

Đoạn đường đi qua khu vực nhà bà Phú - Ảnh: Thiên Bảo

Cử tri khu vực Bình Trung đã nhiều lần kiến nghị và được UBND Q.Bình Thủy chấp thuận, phê duyệt đầu tư xây dựng tuyến đường theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, với tổng kinh phí 9,5 tỉ đồng. Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí xây dựng công trình, người dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu nằm trong phạm vi xây dựng và giải phóng mặt bằng (6 mét).

Có đường mới, người dân vui mừng, thống nhất ký cam kết hiến đất, hoa màu, di dời vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng; tuy nhiên chỉ còn duy nhất hộ bà Nguyễn Thị Thanh Phú (hiện đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cân Thơ) không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Theo tìm hiểu, diện tích đất bị ảnh hưởng của bà Phú khoảng 17m2 với chiều dài khoảng 9 mét, chiều sâu tính từ mép trong đường vào phần sân từ 1,8 - 2 mét. Nếu hiến đất sẽ bị ảnh hưởng hàng rào lưới B40 và 1 phần mái tôn che trước sân, chưa ảnh hưởng đến ngôi nhà hiện hữu. Tuy nhiên, chủ hộ chỉ thống nhất hiến đất 1 mét chạy dài.

Cơ quan chức năng đến vận động bà Phú - Ảnh: Thiên Bảo

Do không thể chờ đợi, tháng 6.2019, P,.Long Hòa đã khởi công xây dựng tuyến đường, vừa làm, vừa vận động nhưng chủ hộ này nhất quyết không chịu hiến đất. Cuối năm 2019, tuyến đường hoàn thành, nhưng phải chừa lại một đoạn khoảng 9 mét qua đoạn căn hộ nói trên. Nhiều tháng qua, ngành chức năng cho giăng dây cảnh báo, bởi khi lưu thông, khu vực này là mặt đường cũ, nhiều đất đá, thấp hơn mặt đường mới dễ dẫn tới tai nạn, ban đêm lại không có đèn chiếu sáng.

Trao đổi với PV, bà Phú này cho biết, diện tích nhà đất của bà nhỏ, nếu hiến đất nhiều quá thì còn lại rất ít, nhà sẽ không còn sân. Nếu nhà nước muốn lấy nhiều hơn để làm lộ phải đền bù tiền hợp lý vì đây là tài sản của bà.

Việc lưu thông qua đoạn đường gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm - Ảnh: Thiên Bảo

Ông Bùi Minh Mẫn (người dân địa phương) nói, khi làm đường, ông đã hiến 11 mét chiều dài theo con đường và 2 mét chiều sâu. Gia đình ông cũng tự dọn dẹp cây cối, tự bỏ tiền ra làm hàng rào mới, bàn giao đất cho địa phương làm đường. “Ở đây ai cũng hiến đất, không đòi bồi thường. Chúng tôi mong bà ấy suy nghĩ lại, vì đoạn đường ngắn chưa thể thi công này, đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới bà con xung quanh”, ông nói.

Ông Mai Văn Điều, Chủ tịch UBND P.Long Hòa, cho hay, do chủ hộ này không đồng ý hiến đất, nên đoạn đường trên không thể thi công. Liên tiếp nhiều tháng qua, người dân xung quanh phản ứng rất nhiều, yêu cầu phải có biện pháp xử lý. Hiện địa phương đang tiếp tục vận động hiến đất để hoàn thiện tuyến đường, vì đây là lợi ích chung của cộng đồng.

Thiên Bảo

Bài liên quan
Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ kết nối Hà Nội - Bắc Giang
Sau khoảng 1 năm thi công với tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, cây cầu vượt sông nối liền Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 13.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ: Dân khổ sở vì 9 mét đường làm mãi không xong