Sau 30 phút uống trà sữa, 8 học sinh lớp 5 phải nhập viện vì các triệu chứng, đau bụng, nôn ói. Số trà sữa này được mua từ 1 quán trà sữa bên lề đường… Trà sữa bán rong mang rất nhiều nguy cơ nhiễm độc!

Cần tỉnh táo trước ‘cơn lốc’ trà sữa

Nguyên Việt | 16/11/2017, 14:26

Sau 30 phút uống trà sữa, 8 học sinh lớp 5 phải nhập viện vì các triệu chứng, đau bụng, nôn ói. Số trà sữa này được mua từ 1 quán trà sữa bên lề đường… Trà sữa bán rong mang rất nhiều nguy cơ nhiễm độc!

Buổi liên hoan không trọn vẹn

Ngày 9.11, tại Trường Tiểu học Cái Khế 1 (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), do có 1 bạn chuẩn bị đi nước ngoài nên phụ huynh của học sinh này đã mua trà sữa vào để con liên hoan chia tay với bạn bè. Sau khi uống trà sữa khoảng 30 phút, những học sinh trong lớp có triệu chứng, nhức đầu, đau bụng, nôn ói.

Một số học sinh ói ra được, cảm thấy khỏe nên không đi bệnh viện. Và tổng cộng có 8 em phải nhập viện, trong đó 7 em được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ, 1 em được gia đình đưa đến Bệnh viện Quốc tế Phương Châu để theo dõi.

Theo lời người đi mua, thì số trà sữa này được mua từ 1 quán nằm trên đường Mậu Thân. Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã lấy mẫu trà sữa để đem đi xét nghiệm. Hiện quán trà sữa này đã đóng cửa.

Bác sĩ Lưu Hoàng Việt - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Cần Thơ (ATVSTP) cho biết, 8 học sinh này chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ và hiện đã khỏe lại bình thường. Một số học sinh xuất viện ngay sau khi được kiểm tra, một số thì lưu lại bệnh viện 1 đêm, sáng hôm sau cũng xuất viện.

Sữa rất dễ nhiễm vi sinh!

Ông Việt cho biết, số trà sữa này là dạng thức ăn đường phố, hiện ông đã giao cho Trung tâm Y tế Q.Ninh Kiều điều tra rồi báo cáo. “Sau khi có báo cáo, chúng tôi sẽ có hướng xử lý những trường hợp như thế này”, ông Việt nói.

Các học sinh Trường Tiểu học Cái Khế 1 phải nhập viện vì uống trà sữa - Ảnh: Nguyên Thanh

Trà sữa hiện đang là thức uống được các em học sinh và các bạn trẻ ưa chuộng. Chính vì lý do đó, hàng trăm quán trà sữa thi nhau mọc lên trên địa bàn TP.Cần Thơ. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho Chi cục VSATTP TP.Cần Thơ trong công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

“Tất cả những quán trà sữa cố định, có đăng ký kinh doanh, có giấy phép Chi cục đều nắm và quản lý chặt chẽ. Còn những quán trà sữa kinh doanh kiểu hộ gia đình, bán online, có điểm tự pha chế, hay để trên xe tới giờ bán thì kéo ra… được xếp vào thức ăn đường phố. Người dân kinh doanh như thế này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra”, ông Việt nói.

Qua sự việc trên, ông Việt khuyến cáo người dân không nên mua trà sữa online, hoặc trà sữa lề đường. Ông Việt cho biết: “Chúng ta không thể biết được những nơi này pha chế như thế nào, có đảm bảo vệ sinh hay không, nguồn nguyên liệu ra sao. Hãy chọn những quán trà sữa cố định, có đăng ký kinh doanh rõ ràng”.

Ông Việt cũng cho biết, việc bảo quản sữa trong điều kiện bình thường rất dễ bị nhiễm vi sinh và khi uống vào dễ sinh các triệu chứng đau bụng, nôn ói. Sắp tới, Chi cục VSATTP sẽ tham mưu cho Sở Y tế TP.Cần Thơ chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, hoặc tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu.

Trà sữa được pha chế như thế nào?

Để tìm hiểu những quán trà sữa không có đăng ký kinh doanh về cách thức pha trà sữa là điều không hề dễ dàng. Nhất là những nguyên liệu để pha trà sữa luôn là bí mật đối với bất kỳ quán nào. Tuy nhiên, PV đã được 1 chủ quán trà sữa ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) chia sẻ.

Các em nhỏ rất thích trà sữa - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh T.V.B. - chủ quán trà sữa này -cho biết, việc đăng ký kinh doanh là điều anh cũng rất muốn làm, tuy nhiên do vốn ít nên anh chỉ buôn bán nhỏ lẻ, lại mới thử nghiệm bán trà sữa nên không muốn đăng ký kinh doanh.

“Hơn nữa, nếu tôi đăng ký kinh doanh thì phải đảm bảo nhiều yếu tố lắm, như nơi pha chế, nước, nguyên liệu phải được quy định rõ ràng. Tôi không có nhiều vốn nên đành phải chấp nhận buôn bán kiểu lề đường”, anh B. chia sẻ.

Quán trà sữa của anh B. thực chất là 1 căn phòng trọ nhỏ, kê được vài ba cái bàn, ghế để khách ngồi. Lượng trà sữa anh bán chủ yếu là cho khách mang đi. Đối tượng thường mua trà sữa của anh là học sinh từ cấp 1 đến cấp 3, các bạn trẻ tuổi. Nguyên liệu để pha trà sữa, tất nhiên là gồm trà và sữa.

“Nguyên liệu của quán tôi đều được nhập từ Thái Lan, bao gồm trà và sữa. Trà là loại trà chuyên dùng để pha trà sữa, được để sẵn trong những túi nhỏ. Còn sữa là loại sữa bột béo cũng nhập từ Thái Lan”, anh B. nói.

Theo chủ quán này, trà sữa được anh pha như sau: nấu nước sôi, cho trà vào, sau đó chờ trà “ra nước”. Tiếp tục cho sữa bột béo, đường vào quậy đều, sau đó cho thêm một ít nước lọc vào. “Trân châu (những hạt nhỏ, dẻo, thường được dùng với trà sữa - PV) tôi mua từ những cơ sở uy tín. Còn những loại thạch, bánh flan dùng chung với trà sữa thì tự tay vợ tôi làm, tuy cực một chút nhưng mình cũng yên tâm hơn”, anh Bình cho biết.

“Các em học sinh rất thích uống trà sữa, mỗi lần tan học, vợ chồng tôi pha chế bán không kịp. Mỗi ngày tôi bán hơn 100 ly trà sữa các loại, các loại trà sữa bán chạy như trà sữa trân châu, trà sữa thạch trái cây, trà sữa bánh flan…”, anh B. chia sẻ. Anh B. cho biết, qua quá trình bán trà sữa gần 1 năm nay, anh biết nhiều quán trà sữa pha chế từ những nguyên liệu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Một số khách hàng của tôi kể, có nơi họ pha chế trà sữa rất đơn giản bằng cách cho một cục gì đó màu trắng vào nước lạnh. Sau đóhọ quậy tan cục màu trắng này ra là thành trà sữa. Những loại trà sữa này bán với giá rất rẻ, nhưng lợi nhuận của họ rất cao”, anh B. nói.

Nhất là ở những quán lề đường, nguồn nước lọc lấy từ đâu, rất đáng để lưu tâm. Như vụ hàng trăm em học sinh ở Hậu Giang phải nhập viện và kiểm tra sức khỏe sau khi uống sữa Milo, sau khi điều tra, cho thấy nước pha sữa được lấy từ vòi nước trong… nhà vệ sinh!

Nguyên liệu pha trà sữa, theo tìm hiểu của PV, nhiều quán lấy hàng Trung Quốc, không nhãn mác để có lãi cao. Ngoài ra, trong các loại trà sữa sản xuất hàng loạt có thành phần chủ yếu là dầu thực vật hydro hóa. Đây là 1 loại axit béo, loại axit này sẽ làm giảm lượng hóc môn nam giới, không chế sức sống của tinh trùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.

Với những quán trà sữa pha chế từ những nguyên liệu trà tinh chế tổng hợp với bột màu, khi uống vẫn có vị như trà nhưng tinh trà lại thuộc các thành phần chất tổng hợp hóa học. Với những loại trà này, uống nhiều và lâu dài có thể sẽ gây tổn hại đến gan, thận, các bệnh tim mạch…

Nguyên Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần tỉnh táo trước ‘cơn lốc’ trà sữa