Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm...
Chiều 12.12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3.12.2009 của Ban Bí thư về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020” đã diễn ra tại Hà Nội.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo đề án 61 đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhận định: “Nông nghiệp Việt Nam có bước tiến bộ rất đáng mừng. Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, bão lũ, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2020 đạt trên 41 tỉ USD là thành công lớn, là một trong những nước đứng đầu ASEAN về sản phẩm nông nghiệp. Vấn đề khoa học - công nghệ, chuyển giao thành công và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất kinh doanh như trí tuệ nhân tạo AI. Chúng ta đang chuyển sang nền nông nghiệp an toàn”.
“Quan trọng nhất, trình độ người nông dân Việt Nam được nâng lên”, Thủ tướng đánh giá và yêu cầu cần phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm. Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Thủ tướng yêu cầu: “Cần phải xây dựng một lớp nông dân mới nắm chắc khoa học công nghệ, kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Từ khi hạt giống gieo xuống phải nghĩ được đầu ra, ứng phó với những biến cố bất thường của sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, khó khăn hơn, do đó, công tác chỉ đạo phải quyết liệt hơn, đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Báo cáo khái quát kết quả sau 10 năm thực hiện, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 61 cho biết, Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định 673/QĐ-TTg là nguồn lực quan trọng hỗ trợ các cấp Hội Nông dân tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp Hội Nông dân phát động, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội nông thôn. Mỗi năm, trung bình có khoảng hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó, trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đến nay, cả nước có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Thu nhập người dân nông thôn mức từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, ước còn dưới 3% năm 2020.