Các nhà khoa học đã có "bước tiến lớn" trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi tạo ra một loại khoáng chất có thể hút bớt khí CO2 trong không khí.
Các nhà khoa học đã tạo ra một khoáng chất trong phòng thí nghiệm, gọi là magnesit, với khả năng hấp thụ CO2 khỏi không khí, giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Magnesit là có trong tự nhiên, nhưng tiến trình hình thành nó cũng như hút khí CO2 khỏi khí quyển của nó mất tới hàng ngàn năm. Mỗi tấn magnesit có khả năng loại bỏ khoảng nửa tấn CO2 từ khí quyển.
“Đây là một quá trình mất hàng trăm đến hàng nghìn năm trong tự nhiên trên bề mặt Trái Đất", Giáo sư Ian Power, người đứng đầu nghiên cứu mới tại Đại học Trent, Canada giải thích quá trình hình thành magnesit trong tự nhiên là rất lâu.
Để khắc phục vấn đề này, Giáo sư Power và nhóm cộng sự của ông tìm cách tăng tốc quá trình hình thành khoáng chất này lên. Sử dụng polystyrene microspheres làm chất xúc tác, các nhà khoa học có thể tạo ra magnesit chỉ trong 72 ngày mà thôi.
Theo nhóm nghiên cứu, quá trình này được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ bình thường, tức sẽ rất tiết kiệm năng lượng nếu thực hiện trên quy mô lớn.
"Hiện chúng tôi khẳng định rằng đây chỉ là tiến trình thử nghiệm và sẽ mất nhiều thời gian để để mở rộng quy mô sản xuất trước khi có thể chắc chắn rằng magnesit nhân tạo có thể được sử dụng trong quá trình cô lập carbon trong không khí", ông Power nói.
Kết quả nghiên cứu mới này đã được trình bày tại hội nghị địa hóa học Goldschmidt ở Boston. Tuy nhiên, kết quả này gây chia rẽ cộng đồng khoa học khi một số nói rằng nhóm nghiên cứu "lạc quan quá mức", còn một số thì cho rằng kết quả này là "một bước tiến lớn" trong giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu.
Thiên Hà (theo Independent)