Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ căng thẳng làm tóc bạc, nhưng trên thực tế có rất ít nghiên cứu về vấn đề này. Một số nghiên cứu xác định mối liên hệ giữa tình trạng tóc bạc sớm với căng thẳng nhưng không chứng minh được tính nhân quả giữa chúng.
Tiến sĩ Paradi Mirmirani (Trung tâm Y tế Kaiser Permanente Vallejo) nói: “Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết”.
Nghiên cứu về tóc bạc và sự căng thẳng
Trong các nghiên cứu trước, nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia điền vào bảng câu hỏi về màu tóc và mức độ căng thẳng của họ, sau đó họ sẽ xem liệu có thể liên kết chúng hay không.
Chẳng hạn một nghiên cứu công bố năm 2016 khảo sát hơn 1.100 người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi, ghi nhận 315 người tóc bạc sớm có mức độ căng thẳng cao hơn người không bị. Người tóc bạc sớm cũng có tiền sử sử dụng rượu và mắc bệnh mãn tính, hoặc có cha mẹ tóc bạc từ trẻ.
Một nghiên cứu khác vào năm 2020 gây căng thẳng cho chuột bằng nhiều cách khác nhau như tiêm chất giống ớt. Nhóm nghiên cứu ghi nhận chúng tiết giải phóng hormone gây căng thẳng norepinephrine, làm giảm tế bào gốc liên quan đến bổ sung sắc tố lông nên khiến lông chuột bạc đi. Trong môi trường phòng thí nghiệm, họ chứng minh được nồng độ norepinephrine cao tác động đến tế bào gốc người theo cách tương tự. Nhóm không thể áp dụng cách thức gây căng thẳng nêu trên với người để xác thực giả thuyết căng thẳng làm tóc bạc.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2021, nhóm nghiên cứu nhổ tóc bạc hoàn toàn, tóc bạc một phần, tóc không bạc từ 14 tình nguyện viên, sau đó lập hình ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao cũng như tính toán thời điểm từng sợi chuyển bạc. Họ còn yêu cầu tình nguyện viên lập thời gian biểu căng thẳng trong năm, đồng thời xếp hạng căng thẳng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhóm phát hiện thời điểm tóc chuyển bạc thường tương ứng với thời điểm căng thẳng nhất.
Phó giáo sư Martin Picard (Đại học Columbia) tuyên bố đây là nghiên cứu đầu tiên liên kết sự kiện căng thẳng cụ thể với thời điểm tóc bạc. Tiến sĩ Victoria Barbosa cũng xem nghiên cứu như bằng chứng đầu tiên về việc căng thẳng thực sự có vai trò nhất định ở một số người.
Theo bác sĩ Sindhuja Sominidi Damodaran (phòng khám Mayo), nghiên cứu trong tương lai nên tập trung giải thích vì sao không phải ai cũng bị tình trạng tóc bạc sớm do căng thẳng. Một vấn đề đáng nghiên cứu nữa là liệu giảm căng thẳng có làm chậm hay đảo ngược quá trình bạc tóc hay không.
Các yếu tố khác
Với hầu hết mọi người thì di truyền là yếu tố chính gây tóc bạc sớm. Một số bệnh lý như bạch biến, tóc rụng từng mảng, tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc quá yếu cũng khiến tóc mất sắc tố. Ngoài ra, nguyên nhân gây tóc bạc còn bởi hóa trị, thiếu sắt, canxi, vitamin B12 và D, hay hút thuốc, béo phì.