Trong các phần trước, chúng tôi đã đề cập đến việc đấu tranh mang ý nghĩa sống còn của Đại Việt trước Nguyên Mông như việc không đưa vua sang chầu, không góp quân đánh thuê, không cấp quân lương giúp Nguyên Mông đánh nước thứ 3 và cũng không chịu cống nộp người, voi cho nhà Nguyên.
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất
Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất
Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện
Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông
Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng
Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều
Kỳ 19: Đại Việt Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân
Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích
Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên
Kỳ 22: Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông
Kỳ 23: Nhà Nguyên đòi vũ khí tối thượng, vua Trần từ chối
Trong các phần trước, chúng tôi đã đề cập đến việc đấu tranh mang ý nghĩa sống còn của Đại Việt trước Nguyên Mông như việc không đưa vua sang chầu, không góp quân đánh thuê, không cấp quân lương giúp Nguyên Mông đánh nước thứ 3 và cũng không chịu cống nộp người, voi cho nhà Nguyên.
Và nhà Trần còn thể hiện sự kiên cường khi đấu tranh trong lễ nghi triều kiến giữa nhà Trần và Nguyên Mông. Các nước lớn xưa kia thường ỷ vào sức mạnh quân sự bắt các nước nhỏ xưng thần. Trong các chiếu thư qua lại với Nguyên Mông, các vua Trần cũng chịu xưng thần qua quýt cho xong chuyện để duy trì hòa hiếu. Thế nhưng, Nguyên Mông không biết điều, được đằng chân, lân đằng đầu ra yêu sách bắt vua Trần phải lạy khi nhận chiếu thư.
Nhà Nguyên ra yêu sách này với mọi nước chư hầu. Mục đích vừa thể hiện uy phong, vừa thăm dò ý chí phản kháng của từng nước. Có nước nhịn nhục chịu lạy để giữ bình yên, có nhiều nước nóng mắt chém sứ và tạo cớ để quân Nguyên Mông tung quân vào tàn sát. Còn các vua Trần thì không lạy nhưng vẫn không cho Nguyên Mông cái cớ để kích động tiến quân.
Cuối năm 1268, Mông Cổ sai sứ là Hốt Lung Hải Nha sang thay Nậu Lạt Đinh giữ chức quan Đạt Lỗ hoa xích. Vua Trần Thái Tông đã nhận chiếu thư từ tay sứ giả mà không thèm cúi lạy. Điều này khiến sứ Mông Cổ bất ngờ và đe dọa: “Nhà vua vẫn hòa mục với Tống, tưởng được cứu viện lúc gấp, nay trăm vạn quân đang vây kín Tương Dương, chim bay cũng không có lối, chỉ sớm tối là hạ thành, dồn quân qua sông lật đổ Kinh đô nước ấy dễ như bẻ cành khô, thế mà vua còn dựa vào nơi bời biển, cậy là môi với răng... tự tôn, tự đại. Nếu tâu lên Hoàng đế oai trời khẽ động thì chẳng cần gọi đến quân Trung Quốc ở xa, mà 10 vạn quân Vân Nam hơn tháng là đến, sẽ biến Vương miếu thành gò hoang, Vương đình thành bãi cỏ chẳng khó khăn gì...”.
Không chỉ vậy sứ giả còn đòi vua Trần phải tiếp đãi hắn theo tước vương. Vua Trần Thái Tông không đáp ứng mà bảo: “Thánh thiên tử thương tôi nhưng sứ giả đến nhiều người vô lễ. Ông là quan triều liệt, còn tôi là vua mà cùng ngang lễ với nhau từ cổ chí kim có điều đó không?”
Sau khi biết việc vua Trần Thái Tông nhận chiếu thư không chịu lạy, Hốt Tất Liệt sai Trung thư gửi công điệp sang nói về việc nhà vua không lạy là không đúng lễ “vương nhân” đối đãi sứ thần. Khôi hài nhất là công điệp lại mượn tích trong kinh Xuân thu (ý là các vua chư hầu phải tôn kính sứ của nhà Chu) để trách móc. Nhưng vua Trần Thái Tông lại mượn điển lễ của Mông Cổ (Mông Cổ vốn là dân du mục đâu có nhiều chuyện câu nệ lễ tiết) và chính chiếu thư Hốt Tất Liệt năm 1261 để vặn lại.
Trong thư gửi triều Nguyên năm 1272, vua Trần Thái Tông viết: “Nước tôi thờ phụng thiên triều đã được phong tước vương, há không phải là “vương nhân” hay sao? Sứ thần Thiên triều đến xưng là “vương nhân”, nếu đãi ngang lễ thì sợ nhục triều đình. Huống chi nước tôi trước đã nhận được chiếu chỉ, bảo cứ theo tục cũ. Phàm nhận chiếu cứ để yên nơi chính điện, còn mình thì lui tránh ở nhà riêng, đó là điển lễ cũ của nước tôi...”
Nhà Nguyên vẫn lằng nhằng căn vặn: “Sứ thần của triều đình tuy chức nhỏ, nhưng phải coi mệnh lệnh của thiên tử là trọng hơn cả. Trước kia vì triều đình nhận thấy nước nào cũng đều có tập tục riêng, không bắt phải thay đổi vội, nên hạ chiếu cho được theo tục nước ấy, chứ có lẽ nào lấy việc không lạy chiếu của triều đình mà bảo là theo tục cũ được hay sao?”. Vua Trần cũng không thèm nghe theo.
Năm 1273, vua Nguyên lại gửi chiếu cằn nhằn: “Mấy năm nay, các sứ giả đi về đều nói những khi vương nhận chiếu của Thiên triều chỉ đứng chắp tay chứ không lạy, tiếp kiến sứ giả hoặc yến tiệc thì đều ngồi trên sứ giả”. Ngay cả chuyện ngồi thế nào thì hai bên cũng phải mặc cả khá mệt. Năm 1291, sau khi thảm bại mà Trường Lập Đạo khi sang sứ ta còn không chịu để vua Trần Nhân Tông ngồi nam diện (theo lệ xưa thì vua thường ngồi quay mặt về phía nam). Xét thấy yêu cầu đó không quá quắt, ta cũng chịu ngồi Đông - Tây cùng sứ Nguyên cho dễ hòa đàm. Riêng chuyện lạy chiếu thư thì dứt khoát Không.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng dẫn một đoạn viết của Ngô Sỹ Liên bình phẩm xung quanh việc tiếp sứ Nguyên: “Xét sứ nhà Nguyên có Lý Tư Diễn thường sang sứ nước ta để dụ vua vào chầu. Khi đến Tư Diễn nói: Người bề tôi nước lớn không lạy vua nước nhỏ , đó là lễ đấy”. Vua Trần Nhân Tông đáp: “Kính vua nên kính cả sứ đó, đó cũng là lễ đấy”. Rồi đãi ngang hàng. Xem đấy thì biết, trước kia sứ Trung Quốc đến thường có nghi lễ đáp bái với vua nước ta, mà nay nhà vua đem câu ấy đáp lại Tư Diễn, lời lẽ hàm súc vừa cứng, vừa mềm, quốc thể càng được tôn trọng.
Lại có Hoàng Thường cũng được sai sang sứ. Khi đến cửa Thừa Thiên không xuống ngựa, quân gác cửa ngăn lại, Thường cứ đi thẳng vào cử Tế Thiên mới chịu xuống ngựa. Hoàng Thường nói: “Đã 10 năm nay vương khong sang cống, sở dĩ chưa muốn đem quân sang đánh, vì cho là nước có lễ nghĩa, cho nên ban xuống chiếu này tức là cái ý nhà Tây Hán ban ghế và gậy cho Ngô Vương ngày xưa. Nay nhà vua nhận chiếu thư mà không lạy thì phỏng có yên tâm được không?”. Đương nhiên là vua Trần không thèm lạy.
Có thể thấy sứ nhà Nguyên dùng nhiều lý lẽ từ dọa nạt để dụ dỗ để tìm cách khuất phục các vua Trần phải cúi đầu sợ chúng. Thế nhưng, trước sau như một nhà Trần đều khôn khéo và cứng cỏi để không làm điều hại đến quốc thể. Thậm chí, với những tên sứ hống hách như Trương Đình Trân thì sẵn sàng dọa lại cho khiếp vía. Và đến khi chiến tranh không thể tránh khỏi thì sự uy nghiêm của các vua Trần đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao cho quân dân Đại Việt liên tiếp đánh bại quân Nguyên Mông.
A.T