Chưa đầy hai tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, quan hệ Mỹ - Trung rơi vào điểm căng thẳng.

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung sẽ khiến Trái Đất nóng lên, xuất hiện những nguy cơ khó lường

Anh Tú | 04/09/2021, 14:44

Chưa đầy hai tháng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, quan hệ Mỹ - Trung rơi vào điểm căng thẳng.

Bắc Kinh đã từ chối lời kêu gọi từ Washington trong việc đưa ra các cam kết công khai và mạnh mẽ hơn để giải quyết lượng khí thải carbon của mình. Đồng thời, Bắc Kinh cho rằng chính phủ Mỹ không thể mong đợi sự hợp tác trong lĩnh vực này trong khi vẫn phản đối mạnh mẽ Trung Quốc về các vấn đề khác như nhân quyền.

“Trung Quốc đã có kế hoạch và lộ trình của riêng mình để đạt được các mục tiêu khí hậu”, giới lãnh đạo Trung Quốc nói với đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry trong tuần này, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).

Sự bế tắc giữa hai siêu cường - và cũng là 2 nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới - diễn ra trong những tuần cuối cùng trước COP26, hội nghị của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức tại Anh vào tháng 11 năm nay.

Các cuộc đàm phán về khí hậu được nhiều người coi là rất quan trọng với hy vọng giữ nhiệt độ toàn cầu trong giới hạn an toàn là 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Sau khi Mỹ rời khỏi Thỏa thuận chung Paris - hiệp định quốc tế nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu trong giới hạn an toàn - dưới thời chính quyền Trump, Trung Quốc đã đóng một vai trò nổi bật hơn về các vấn đề khí hậu trên trường thế giới.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất các tấm pin mặt trời và tua-bin gió cho năng lượng tái tạo, và đang bỏ xa Mỹ trong thị trường xe điện.

Trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Nhà Trắng đầu năm nay vào Ngày Trái đất, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu sau ông Biden.

Ông Kerry đã đàm phán Thỏa thuận chung Paris năm 2015 với tư cách là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama và có mối quan hệ lâu dài với người đồng cấp Trung Quốc, Giải Chấn Hoa, người mà ông đã gặp trong tuần này tại Thiên Tân.

Trong một tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng khí hậu hồi tháng 4, Mỹ và Trung Quốc cam kết tiếp tục thảo luận trong thời gian tới và cả sau hội nghị thượng đỉnh COP26, để thiết lập các kế hoạch chắc chắn nhằm giảm lượng khí thải trong thập kỷ này.

Trong khi cả hai quốc gia đồng ý rằng cuộc khủng hoảng khí hậu phải được giải quyết, Trung Quốc nói rằng Mỹ không thể mong đợi giải quyết vấn đề này một cách riêng rẽ. Ví dụ, chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh đàn áp đối với thành phố bằng luật an ninh quốc gia.

Theo hãng tin AP, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với ông Kerry: “Phía Mỹ mong muốn hợp tác về biến đổi khí hậu sẽ là một ‘ốc đảo’ trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ. Tuy nhiên, nếu ốc đảo bị bao quanh bởi sa mạc, thì sớm muộn gì ốc đảo cũng sẽ bị sa mạc hóa”.

Sau cuộc gặp gỡ trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đặc phái viên Kerry đã khẳng định rằng Mỹ vẫn cam kết hợp tác với thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, vấn đề phải được giải quyết với mức độ nghiêm túc và khẩn cấp mà nước này yêu cầu, và khuyến khích Trung Quốc thực hiện các bước bổ sung để giảm lượng khí thải.

Ông Kerry cũng đã có các cuộc họp trực tuyến với cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Hàn Chính, một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc và là người đứng đầu một ủy ban vạch ra kế hoạch giảm phát thải của Trung Quốc.

Ông Kerry nói với ông Hàn rằng “không có cách nào” để thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà không có “sự tham gia và cam kết đầy đủ của Trung Quốc”.

Sau các cuộc họp, ông Kerry nói rằng trong khi nhiệm vụ của ông là tập trung vào khí hậu, ông sẽ chuyển những quan ngại của Trung Quốc tới Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Vào tháng 4, Tổng thống Biden đã công bố mục tiêu mới của Mỹ là đạt được mức giảm tới 52% mức ô nhiễm khí nhà kính từ năm 2005 vào năm 2030. Ông đã hứa đặt đất nước trên con đường không phát thải vào năm 2050.

Mục tiêu không ràng buộc nhưng vẫn quan trọng về mặt biểu tượng, và mang lại cho Mỹ một vị thế đáng tin cậy mới để từ đó thúc ép các quốc gia khác đẩy mạnh các mục tiêu của họ.

Trung Quốc đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 và hứa rằng việc sử dụng than sẽ bắt đầu giảm sau năm 2025 - mặc dù quốc gia này hiện đang sản xuất gần 2/3 điện năng từ nhiên liệu hóa thạch.

Mỹ tạo ra khoảng 15% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu còn Trung Quốc sản xuất khoảng 28%.

Các cuộc đàm phán song phương diễn ra khi Mỹ đang trải qua những tác động nghiêm trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu gồm cháy rừng kéo dài ở miền Tây và lũ lụt, lốc xoáy thảm khốc từ cơn bão Ida ở miền Đông nước này. Còn ở Trung Quốc, hàng chục người cũng đã thiệt mạng trong mùa hè này khi lũ lụt thảm khốc ập đến một số thành phố lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung sẽ khiến Trái Đất nóng lên, xuất hiện những nguy cơ khó lường