Lầu Năm Góc đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu các tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào "lãnh hải" của nước này.

Mỹ chỉ trích quy định hàng hải mới phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Hoàng Vũ | 02/09/2021, 14:18

Lầu Năm Góc đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu các tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào "lãnh hải" của nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 1.9, người phát ngôn Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) John Supple nhấn mạnh rằng bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển cũng không được vi phạm quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được thừa hưởng theo luật pháp quốc tế”.

“Các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp và sâu rộng, bao gồm cả ở Biển Đông, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại hợp pháp không bị cản trở, các quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển khác”, ông Supple cho hay, đồng thời khẳng định Mỹ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Cũng trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối cho biết liệu chính phủ Trung Quốc có trao đổi trực tiếp với Mỹ về quy định hàng hải mới này hay không. Tuy nhiên, ông Ned Price nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã làm rõ lập trường với Bắc Kinh rằng Washington coi các yêu sách lãnh thổ mở rộng là bất hợp pháp.

“Mỹ không ngại phản đối và trong nhiều trường hợp đã cùng với các đối tác và đồng minh phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, phi lý và quá đáng của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”, phát ngôn viên Ned Price nói.

Những bình luận trên được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố quy định hàng hải sửa đổi gây tranh cãi.

Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1.9, tất cả tàu nước ngoài đi vào vùng "lãnh hải" mà nước này tuyên bố chủ quyền phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho giới chức hàng hải của Trung Quốc. Nếu tàu nước ngoài không báo cáo theo như yêu cầu, cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý. Tuy nhiên, luật mới không nêu cụ thể về hình thức phạt.

Phản ứng trước việc Trung Quốc bắt đầu thi hành luật hàng hải sửa đổi, hôm 1.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển".

"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS", bà Hằng nhấn mạnh.

Trung Quốc thời gian qua đã ngang ngược tuyên bố khoảng 90% diện tích Biển Đông thuộc "lãnh hải" của mình, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" nước này đơn phương vạch ra cũng như sự phản đối từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong chuyến thăm Việt Nam tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các yêu sách lãnh thổ rộng lớn và hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

 

Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ chỉ trích quy định hàng hải mới phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông