Hơn 200 tạp chí sức khỏe hàng đầu thế giới đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cắt giảm lượng thí thải gây hiệu ứng nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu, mà theo họ là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe nhân loại.
Được công bố vào hôm 4.9 trên tờ Lancet, Tạp chí Y khoa Anh, Tạp chí Y học New England, Tạp chí Y khoa Úc, Bản tin Khoa học Trung Quốc và Tạp chí Y khoa Quốc gia Ấn Độ cùng với các ấn phẩm khác tuyên bố cảnh báo rằng sự tích tụ tiếp tục của khí nhà kính trong bầu khí quyển của trái đất sẽ dẫn đến “tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe mà không thể đảo ngược được”.
Tuyên bố chung viết: “Sức khỏe đang bị tổn hại do sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và sự tàn phá của thế giới tự nhiên, một tình trạng mà các chuyên gia y tế đã chú ý trong nhiều thập kỷ. Khoa học đã chứng minh rõ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và sự mất mát liên tục của đa dạng sinh học có nguy cơ gây hại thảm khốc cho sức khỏe sẽ không thể đảo ngược. Mặc dù thế giới đang chú trọng vào đẩy lùi dịch COVID-19 nhưng chúng tôi không thể chờ đợi để đại dịch qua đi mới bắt tay vào việc giảm nhanh lượng khí thải”.
Tuyên bố chung được đưa ra hơn một tháng trước khi đại diện của các chính phủ trên thế giới dự kiến họp tại Glasgow (Scotland) trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc được gọi là COP26.
“Trước những cuộc họp quan trọng này, chúng tôi – những biên tập viên của tạp chí sức khỏe trên toàn thế giới kêu gọi hành động khẩn cấp để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C, ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe”, tuyên bố chung cho biết thêm.
Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng 1,2 độ C kể từ cuộc Cách mạng Công Nghiệp. Nếu không có hành động nào khác được thực hiện để hạn chế phát thải khí nhà kính, nhiệt độ được dự đoán sẽ tăng tới 3,1 độ C vào năm 2100.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 8, Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của LHQ cho biết cơ hội cho con người hành động và giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang nhanh chóng bị thu hẹp lại
Khi mùa hè năm 2021 khắc nghiệt xảy ra trên khắp Bắc bán cầu, hậu quả của nhiệt độ tăng đã dẫn đến nhiều kết quả bất lợi cho sức khỏe con người bao gồm cháy rừng, các đợt nắng nóng kỷ lục và lũ quét cướp đi nhiều sinh mạng con người. Tuyên bố chung của các tạp chí y tế cũng trích dẫn nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu góp phần gây ra các vấn đề như năng suất cây trồng thấp hơn dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng.
“Chúng ta có thể sống chung với tình trạng trái đất ấm lên như hiện nay nhưng điều hiển nhiên là ở khắp nơi trên thế giới là các vụ cháy rừng gần đây ở Mỹ, Nam Âu, lượng mưa cực lớn và lũ lụt mà chúng ta đã thấy trên khắp các khu vực Châu Âu và Trung Quốc… đang gây ra những thiệt hại rất lớn về người và của”, Richard Allan, một trong những tác giả chính của báo cáo IPCC và là giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading ở Anh chia sẻ với Yahoo News vào tháng trước.
Như tuyên bố mới từ các tạp chí sức khỏe đã chứng minh, đối với những người trong ngành y tế, ngày nay những tác động của biến đổi khí hậu đang được cảm nhận và cho thấy nhu cầu cấp thiết để ngăn chặn sự ấm lên thêm nữa.
Fiona Godlee, Tổng biên tập của tạp chí Y học Anh cho biết trong một tuyên bố: “Các quốc gia giàu có hơn phải hành động nhanh hơn và làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những quốc gia đang phải chịu đựng ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Năm 2021 phải là năm thế giới thay đổi, sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào điều đó”.