Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân nơi có các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động...

Cảnh báo về tro xỉ điện than chứa chất phóng xạ, thủy ngân

10/06/2020, 10:09

Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân nơi có các nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động...

Giới chuyên môn cho rằng tro xỉ điện than chứa phóng xạ thủy ngân - Ảnh: Internet

Trước nhiều sự việc như: Nhiệt điện Mông Dương ở Quảng Ninh bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra bụi mịn dày đặc ở Tiên Yên; người dân tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã “bao vây” công trình sân vận động của xã này phản đối việc sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện để san lấp sân vận động...

Tuy nhiên, ngày 1.6, đại diện Trung tâm Tư vấn nhiệt điện và điện hạt nhân thuộc Viện Năng lượng Việt Nam cho rằng “tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay không nên coi là chất thải (độc hại) mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp chủ yếu cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác”. Ý kiến này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận cũng như giới chuyên môn tại cuộc tọa đàm khoa học “Tro xỉ than luôn luôn là một chất thải nguy hại và không dễ dàng sử dụng cho xây dựng, công nghiệp” ngày 9.6.

Ông Trần Đình Sính – Chuyên gia năng lượng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh thông tin: Hiện nay với 18.000 MW của các nhà máy điện than đang hoạt động, khoảng 16 - 17 triệu tấn tro và xỉ bị thải ra. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nếu không có biện pháp xử lý thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn chất thải này và mỗi năm thêm khoảng 32 triệu tấn nữa.

Nếu cứ bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5m thì sẽ mất khoảng 65km2 để chứa tro xỉ và mỗi năm thêm 5km2, rộng bằng 1 xã đồng bằng Bắc Bộ. Nên nhớ thành phố Huế cũng chỉ rộng khoảng 70km2, như vậy có thể thấy diện tích đất để chứa tro xỉ là rất lớn.

Ông Đặng Đình Bách - Chuyên gia pháp lý của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) khẳng định Việt Nam chưa có văn bản có quy định pháp luật xử lý tro xỉ của nhiệt điện, và theo ông, những quy định pháp lý về tiêu chuẩn xử lý cần được thắt chặt.

Ông Bách nhấn mạnh “Có rất nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt nó chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Cũng vì lý do này tại Thông tư 36/2015, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa tro xỉ nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều trào lưu vận động ngược để đưa tro xỉ ra khỏi danh mục ấy, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và môi trường sau này”.

TS Nguyễn Văn Liêm - Chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và sức khỏe phân tích: "Theo tôi, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than cần được quản lý vì chứa nhiều thành phần hóa học, đặc biệt là tro xỉ ở những vùng như Nông Sơn (Quảng Nam) hay vùng than Quảng Ninh có chứa chất phóng xạ và chất thủy ngân, đều là những chất độc hại với sức khỏe con người cũng môi trường. Vì vậy để quản lý được tro xỉ của nhiệt điện than một cách bền vững, theo TS Liêm, cần có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đầu vào của từng loại sản phẩm.

Ông Trần Đình Sính cho biết thêm, than Quảng Ninh chứa khoảng 0,464mg thủy ngân trong mỗi ký than. Tới năm 2030, ước tính lượng than sử dụng 129 triệu tấn mỗi năm, trong đó than nội khoảng 44 triệu tấn và than nhập khoảng 85 triệu tấn. Riêng thủy ngân chứa trong than nội với mức 0,464mg/kg và tỷ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn/năm. Than Nông Sơn có phóng xạ, Nhà máy điện Nông Sơn 30MW sử dụng than này, không rõ việc quản lý tro xỉ của Nhà máy điện Nông Sơn ra sao.

Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần khẳng định tro xỉ là độc hại, phải được quy định chặt chẽ trong khung pháp lý. Cụ thể, tro xỉ cần được giữ nguyên trong danh mục chất thải nguy hại của các quy định pháp luật hiện hành.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo về tro xỉ điện than chứa chất phóng xạ, thủy ngân