Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp –Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho rằng, ngoài Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa), canh tác lúa hữu cơ là một hướng đi tích cực cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bảo vệ môi trường

Canh tác lúa hữu cơ, hướng đi tích cực của nông nghiệp ĐBSCL

Văn Kim Khanh 12:45 02/10/2024

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp –Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho rằng, ngoài Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa), canh tác lúa hữu cơ là một hướng đi tích cực cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sử dụng phân bón hữu cơ ở Trà Vinh

Cũng theo ông Lê Văn Đông, canh tác lúa giảm phân bón vô cơ (PBVC) tăng phân bón hữu cơ (PBHC) là hướng đi tất yếu của nông dân ĐBSCL. Các mô hình canh tác lúa: giảm phát thải, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, VietGAP… đều hướng tới tăng cường PBHC. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL thời gian qua áp dụng canh tác hướng hữu cơ, vì lối canh tác này tạo nên sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

tv-3.jpg
Mô hình thân thiện môi trường "Con tôm ôm cây lúa" ở 3 xã cù lao Trà Vinh - Ảnh: T.L

Riêng các mô hình canh tác trong Đề án 1 triệu hecta lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024-2025 thì số lượng PBVC giảm còn khoảng 30%, trong khi đó lượng PBHC tăng lên khoảng 70%. Diện tích lúa trong các mô hình này sử dụng PBHC Bình Dương (còn gọi là phân bón Con Voi), phân bón lá của Lâm Thanh Hào, phân bón Bình Điền 2. Ngoài ra, nông dân cũng bổ sung PBHC “cây nhà lá vườn” bằng cách tổng hợp ủ phân rơm, phân trùn quế, phân trâu bò, phân gà công nghiệp… với thời gian ủ nhất định.

Tại Trà Vinh, năm 2024 ngành nông nghiệp của tỉnh đã thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa tăng dần. Theo đó, đến tháng 8 năm nay, Trà Vinh đã thu hoạch 98,4ha lúa hè - thu; chuẩn bị xuống giống vụ đông - xuân 2024-2025. Theo dự kiến Trà Vinh sẽ triển khai 650ha lúa trên địa bàn 6 huyện.

Đến ngày 29.9, đã có 13 hợp tác xã (HTX) mới đăng ký thực hiện theo Đề án 1 triệu hecta lúa, như vậy diện tích lúa sản xuất đạt kế hoạch. Trong các mô hình thực hiện theo Đề án 1 triệu hecta lúa, nông dân đã sử dụng PBHC trên 70%.

Ngành nông nghiệp Trà Vinh dự kiến năm 2025-2026 sẽ triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa trên diện tích 10.000ha, đến năm 2028-2030 là 30.000ha. Như vậy, tỉnh Trà Vinh theo kế hoạch, đến năm 2030 tỉnh sẽ triển khai đại trà theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT.

tv-6.jpg
Trà Vinh hiện nay là tỉnh có nhiều mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường - Ảnh: T.L

Trong 3 năm qua, tại 3 xã cù lao ở Trà Vinh (xã Hòa Minh, Long Đức, An Phú Tân) đã thực hiện mô hình canh tác lúa hữu cơ. Nông dân ở đây canh tác lúa với 80% sử dụng PBHC, phân bón sinh học, hạn chế thấp nhất lượng PBVC (chỉ chiếm 20%).

Chế biến PBHC ở Đồng Tháp

Tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nơi PBHC đang có xu hướng phát triển mạnh, trong đó, đầu tàu phát động phong trào làm PBHC tại địa phương là Phòng NN-PTNT.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, cho biết: "Ngoài nguồn PBHC thương phẩm, chúng tôi còn phát động và hướng dẫn nông dân tận dụng rơm rạ, phế phẩm nông nghiệp, phân động vật, trùn quế… hướng dẫn nông dân tự ủ phân bón dùng cho đồng ruộng, vườn cây trái. Trong đó, Phòng NN-PTNT hợp tác với nông dân sản xuất mỗi năm khoảng 1.500 - 2.000 tấn PBHC bằng phương pháp thủ công. Kỹ thuật, nhân công vốn thì của chúng tôi, còn nông dân có thể hùn về mặt bằng, về nguyên liệu. Sản phẩm phân chia với nông dân tùy vào sự đóng góp của mỗi bên. Với cách làm này, ngành vừa phát động phong trào, vừa hướng dẫn nông dân làm PBHC, tận dụng phế phẩm nông nghiệp phục vụ lại cho cây lúa”.

dt-2.jpg
Thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình thân thiện môi trường ở Đồng Tháp - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Huỳnh Văn Tồn, với cách làm này mỗi năm huyện Lai Vung có thêm 1.500 - 2.000 tấn PBHC do nông dân sản xuất tại địa phương. Cách làm PBHC của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung các nơi khác có thể học hỏi như địa điểm mặt bằng của dân, quy trình, vốn công nhân do Phòng NN-PTNT lo. Nguyên liệu như rơm rạ, phế phẩm dùng để làm phân, trùn quế, tricoderma… từ nguồn vốn của Phòng NN-PTNT. Thời gian từ ủ 3 - 4 tháng, bãi ủ cần diện tích khoảng 4.500m2. Riêng diện tích phơi gấp 10 lần diện tích bãi ủ.

Giá thành sản phẩm PBHC làm thủ công này khoảng 3.000 đồng/kg; giá vận chuyển: 200 đồng/kg; giá bán cho nông dân: 3.200 đồng/kg. Tính ra, "nhà đầu tư" thu tiền lời từ mỗi cân PBHC khoảng 400 đồng. Với giá này, PBHC được sản xuất thủ công “Made in Lai Vung” rẻ hơn PBHC công nghiệp từ 500 - 1.500 đồng/kg đang bán trên thị trường.

Ruộng ở Lai Vung thí nghiệm sử dụng PBHC địa phương cho thấy năng suất lúa tăng, chi phí giảm. Nông dân bón 150kg PBHC do địa phương sản xuất trên diện tích 1ha làm tăng năng suất 600kg lúa, giảm chi phí khoảng 3 triệu đồng/ha so với dùng PBVC.

Quan điểm về sử dụng PBHC của cố GS-TS Võ Tòng Xuân

Cố GS-TS Võ Tòng Xuân, người có quan điểm ủng hộ sử dụng PBHC cho đồng ruộng, ủng hộ quan điểm về Đề án 1 triệu hecta lúa, cho rằng nông dân An Giang và ĐBSCL trước năm 1968 khi canh tác lúa mùa đã dùng phân động vật, trâu bò, phân rơm cỏ mục để cho hoai (phân rã), bón cho lúa, bón khi gieo mạ. Khi có giống lúa Thần nông (IR 8), do diện tích lúa tăng nhanh, thời gian sinh trưởng của cây lúa ngắn (100 - 120 ngày) và tăng lên từ 1 đến 3 vụ/năm thì nông dân lạm dụng PBVC và đến nay đã hình thành thói quen, quên sử dụng PBHC. Tỉ lệ sử dụng PBVC một thời gian dài tăng lên 90 - 95%. Tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, nông dân vẫn sử dụng phân trâu bò, phân gà làm PBHC kết hợp vô cơ theo một liều lượng nhất định và cho ra những sản phẩm tốt. Thậm chí, họ vẫn có trái cây, lúa hữu cơ, bán giá rất cao. Thị trường chấp nhận vì sản phẩm có chứng nhận và truy nguyên nguồn gốc, chất lượng sản phẩm rõ rệt.

Cũng theo cố GS-TS Võ Tòng Xuân, canh tác lúa sử dụng từ 50 - 80% PBHC mang lại những ưu điểm sau: cân bằng dinh dưỡng cho cây lúa, giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và dưỡng chất; tăng năng suất và chất lượng lúa. Sự kết hợp với tỷ lệ 70% PBHC và 30% PBVC giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa. PBHC cải thiện độ phì nhiêu và độ tơi xốp của đất, thúc đẩy sự phát triển của rễ và lá trong khi đó PBVC cung cấp cho cây lúa những dưỡng chất cần thiết khác.

tv-1.jpg
Mô hình lúa - tôm khi canh tác bằng PBHC tăng lên 80% ở Trà Vinh - Ảnh: T.L

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp. Theo đó, giảm sử dụng PBVC từ đó giảm ô nhiễm nguồn nước và đất, tăng cường sử dụng PBHC để cải thiện chu trình dinh dưỡng và tăng độ bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp. Cần theo dõi và điều chỉnh tỷ lệ phân bón phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Có như thế hạt gạo Việt Nam mới từng bước nâng cao chất lượng và nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canh tác lúa hữu cơ, hướng đi tích cực của nông nghiệp ĐBSCL