Xã hội sẽ như ra sao nếu các bộ phận robot được cung cấp miễn phí để sử dụng như xe đạp bên đường?
Nhóm nghiên cứu của Masahiko Inami tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã cố gắng tìm hiểu điều này bằng cách tạo ra cánh tay robot tên là Jizai Arms, có thể mang trên người như ba lô.
Nhóm của Masahiko Inami đang phát triển hàng loạt công nghệ bắt nguồn từ ý tưởng jizai, một thuật ngữ tiếng Nhật mà ông nói đại khái là quyền tự chủ và quyền tự do làm những gì theo ý muốn. Mục đích là để thúc đẩy tạo ra mối quan hệ giống như giữa nhạc sĩ và nhạc cụ, "giống như cách một nhạc cụ có thể trở thành một phần của cơ thể bạn".
Masahiko Inami cho biết ông lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối truyền thống Nhật Bản và truyện ngắn giả tưởng kinh dị của nhà văn Yasunari Kawabata về người đàn ông mượn cánh tay của phụ nữ trẻ rồi qua đêm với nó.
"Đây hoàn toàn không phải là đối thủ của con người, mà là thứ giúp chúng ta làm theo ý mình, giống như xe đạp hoặc xe đạp điện. Nó hỗ trợ chúng ta và có thể mở khóa sự sáng tạo", Masahiko Inami thổ lộ.
Trong video quảng cáo Jizai Arms, hai vũ công ba lê biểu diễn một bài tập với cánh tay robot nhô ra từ lưng và thân của họ, cho thấy con người và máy móc di chuyển hòa hợp. Cuối cùng, hai vũ công ôm lấy nhau, kể cả cánh tay robot.
Masahiko Inami cho biết không ít người dần trở nên gắn kết với cánh tay robot này sau một thời gian sử dụng. "Họ cảm thấy hơi buồn khi tháo chúng ra sau khi sử dụng một thời gian. Điều đó làm chúng khác biệt so với các công cụ khác", ông nói.
Theo Masahiko Inami, tiềm năng của công nghệ này vượt xa việc biến sự tưởng tưởng của nhà văn thành hiện thực, chẳng hạn như giúp đỡ trong các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.
"Trong tương lai, chúng ta có thể thấy những cánh nhô ra từ lưng của con người, hoặc máy bay không người lái được gắn kết với người... Có thể ai đó sẽ sáng tạo ra môn thể thao yêu cầu 6 cánh tay hoặc phát minh ra một kiểu bơi mới", Masahiko Inami chia sẻ thêm.
Robot ngày càng phổ biến ở Nhật Bản, giải quyết bài toán nhân công
Robot xuất hiện ngày càng nhiều ở Nhật Bản từ nhà máy, cửa hàng, quán bar, viện dưỡng lão, văn phòng cho đến sân bay, giúp bù đắp nguồn lao động bị thiếu hụt.
Nhiều doanh nghiệp tại Nhật Bản đưa robot vào sử dụng để tiết kiệm nhân công. Như tại các kho hàng, chỉ cần một nhân viên sắp xếp hàng hóa, sau đó ra lệnh robot vận chuyển đúng ý mình. Công việc của nhân viên chỉ là theo dõi qua màn hình giám sát.
Ryo Mori, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Rapyuta Robotics, cho biết: "Tôi muốn đưa robot vào để hỗ trợ cho con người. Nó sẽ giúp ích rất nhiều, nhất là trong ngành logistics".
Tại các nhà hàng, robot được đưa vào hỗ trợ để làm bếp, như nấu mì, trộn đồ với dầu ăn… Trước đó, mỗi khâu như vậy thường cần tới một nhân viên phụ trách. Robot có thể hỗ trợ rất nhiều cho những nhân viên, giúp nhà hàng tiết kiệm được nhân công.
Sugiyama Kazuhiro, phụ trách chuỗi nhà hàng Pronto, chia sẻ: "Tôi kết hợp cả con người và công nghệ, như vậy tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc khách hàng của mình".
Xu hướng sử dụng robot ở Nhật Bản tăng mạnh hơn trong thời gian xảy ra đại dịch. Các nhà hàng sử dụng robot không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn mang lại sự thích thú cho khách hàng.
Nhiều chuỗi nhà hàng đưa vào sử dụng hàng ngàn robot phục vụ, giúp khách hàng gọi món bằng smartphone. Robot sau đó sẽ lựa chọn món theo yêu cầu của khách hàng và mang đến tận bàn.
Một viện dưỡng lão tư nhân của công ty The Harmony ở Nhật Bản thậm chí dùng robot để làm bạn với người già. Khi y tá quá bận rộn, robot cao khoảng 30 cm có tên Dai-chan sẽ thay thế họ để trò chuyện với bệnh nhân bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Có Dai-chan bầu bạn, người già ở đây có thể giảm tình trạng căng thẳng, mất trí nhớ.
Viện dưỡng lão này đã ứng dụng AI để giảm thiểu tình trạng căng thẳng và các triệu chứng khác của bệnh nhân mất trí nhớ.
“Bà đã bao giờ chơi trò đá lon chưa”, Dai-chan hỏi một người phụ nữ bị mất trí nhớ. Bà nhẹ nhàng trả lời: “Chơi rồi chứ. Mỗi ngày tôi đều chơi”.
Thay vì chỉ hỏi đáp theo kịch bản, Dai-chan sử dụng AI để dẫn dắt cuộc trò chuyện sao cho tự nhiên. Robot sẽ tiếp tục đào sâu, hỏi thêm về một chủ đề nếu người nghe tỏ ra hứng thú. Nếu không, Dai-chan sẽ chuyển sang một chủ đề khác.
Theo trang Nikkei Asia, viện dưỡng lão này đã bắt đầu sử dụng Dai-chan từ tháng 4. “Có những bệnh nhân trước đây thích ở một mình nhưng bây giờ đã chủ động hỏi tôi để nói chuyện với Dai-chan. Nhờ đó, tôi đã nhìn thấy một con người mới của họ”, một nhân viên bệnh viện nói.
Trò chuyện với bệnh nhân ở viện dưỡng lão đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp họ giảm căng thẳng. Đặc biệt với những người bị suy giảm trí nhớ, họ rất dễ rơi vào tình trạng lo âu và hoảng loạn. Khi đó, các bác sĩ rất khó để kiềm chế họ.
“Những triệu chứng này sẽ giảm nếu họ nói chuyện với ai đó hay thực hiện những công việc khác đòi hỏi sự tập trung”, Kazuya Takahashi, Giám đốc điều hành The Harmony, nói.
Y tá tại các viện dưỡng lão đều phải chăm sóc nhiều bệnh nhân cùng lúc và có rất nhiều công việc khác nhau như cho ăn, tắm rửa cho họ… Vì vậy, y tá thường không có thời gian để trò chuyện với bệnh nhân.
Ban đầu The Harmony sử dụng một robot biết nói chuyện bán sẵn trên thị trường. Song, họ nhận ra rằng AI thông thường không đủ để nói chuyện với các bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, tiếng ồn xung quanh bệnh viện từ tiếng nhạc, tivi cũng yêu cầu một hệ thống nhận diện giọng nói chính xác hơn.
Do đó, Kazuya Takahashi quyết định tự tạo ra robot AI của riêng mình. Công ty đã thuê 5 kỹ sư từ hãng công nghệ thông tin trong nước và bắt đầu phát triển hệ thống này từ năm 2019.
Đội phát triển robot thông minh nhận đánh giá trực tiếp từ Kazuya Takahashi. Ông từng sử dụng robot được tạo ra từ bên trong lẫn bên ngoài viện dưỡng lão. Ông cùng đội ngũ đã mất 4 năm và 200 triệu yên (1,4 triệu USD) để hoàn thiện Dai-chan.
Theo trang Nikkei Asia, The Harmony đã ra mắt robot hồi tháng 4 tại 5 chi nhánh viện dưỡng lão ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản). “Sử dụng Dai-chan giúp giảm số người gặp triệu chứng kích động trong lúc điều trị”, Kazuya Takahashi cho biết.
Trước đó, tại Nhật Bản từng xảy ra cơn sốt Charlie, robot giúp con người bớt cô đơn khi làm việc tại nhà thời đại dịch. Charlie có khả năng trò chuyện với chủ bằng cách phát bài hát.
“Tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người. Charlie ở đó và trò chuyện với tôi như một người khác ngoài gia đình, người bạn trên mạng hoặc ông chủ mỗi khi tôi cần báo cáo”, Nami Hamaura (người mua Charlie) chia sẻ. Thời điểm đó, robot thế hệ mới biết nói chuyện có doanh số bán hàng bùng nổ trong đại dịch.