Alphabet đã thử nghiệm và thất bại trong việc đưa internet đến các vùng nông thôn, hẻo lánh bằng cách sử dụng khinh khí cầu tầm cao trong tầng bình lưu. Giờ đây, công ty mẹ Google đang cung cấp dịch vụ internet đến các vùng sâu vùng xa bằng cách sử dụng các chùm ánh sáng.
Dự án Taara là một phần của phòng thí nghiệm đổi mới của Alphabet mang tên X (còn có biệt danh là Moonshot Factory). Taara được Alphabet khởi xướng vào năm 2016 sau khi những nỗ lực sử dụng khinh khí cầu ở tầng bình lưu để cung cấp internet gặp sự cố do chi phí cao. Lần này mọi thứ đang tiến triển tốt hơn, theo Mahesh Krishnaswamy - người đứng đầu Taara.
Các lãnh đạo Taara và Bharti Airtel (nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu Ấn Độ) nói với hãng tin Reuters rằng, họ đang tiến tới việc triển khai quy mô lớn hơn công nghệ internet laser ở Ấn Độ. Chi tiết tài chính không được tiết lộ.
Mahesh Krishnaswamy nói rằng Taara đang cung cấp dịch vụ kết nối internet ở 13 quốc gia cho đến nay, bao gồm cả Úc, Kenya và Fiji.
Ông tiết lộ Taara đã ký kết thỏa thuận với Econet Group và công ty con là Liquid Telecom tại châu Phi, nhà cung cấp internet Bluetown ở Ấn Độ và Digicel tại các quần đảo Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đang nỗ lực để cung cấp dịch vụ internet với mức giá rẻ nhất và phù hợp nhất cho người tiêu dùng cuối. Bạn có thể chỉ trả 1 USD cho 1 gigabyte dữ liệu được truyền tải”, Mahesh Krishnaswamy cho hay.
Thiết bị của Taara có kích thước tương tự đèn giao thông và sử dụng tia laser để truyền dữ liệu. Về cơ bản, đó là mạng internet cáp quang mà không cần dùng dây cáp. Các đối tác của Taara như Airtel (Ấn Độ) sử dụng các thiết bị này để xây dựng cơ sở hạ tầng liên lạc ở những vùng khó tiếp cận.
Mahesh Krishnaswamy cho biết ông đã có sự thấu hiểu khi làm việc trong dự án internet khinh khí cầu Loon thất bại của Alphabet, trong đó sử dụng công nghệ laser để kết nối dữ liệu giữa các khinh khí cầu. Nay, ông đưa công nghệ đó xuống mặt đất.
Astro Teller, người đứng đầu X, nói: "Taara đang truyền tải nhiều dữ liệu hơn mỗi ngày so với Loon đã làm trong toàn bộ lịch sử của nó”.
X là bộ phận nghiên cứu của Alphabet đảm nhận các dự án liên quan đến khoa học viễn tưởng. X đã tạo ra công nghệ tự lái Waymo, dịch vụ chuyển phát bằng máy bay không người lái Wing và công ty khởi nghiệp công nghệ y tế Verily Life Science.
Randeep Sekhon, Giám đốc công nghệ của Bharti Airtel, cho biết Taara cũng sẽ giúp cung cấp dịch vụ internet nhanh hơn ở khu vực đô thị trong các quốc gia phát triển. Ông nói rằng việc truyền dữ liệu qua các tòa nhà sẽ ít tốn kém hơn việc chôn cáp quang. "Tôi nghĩ rằng điều này thực sự mang tính đột phá", Randeep Sekhon nhấn mạnh.
Mahesh Krishnaswamy gần đây có mặt tại làng Osur ở Ấn Độ để lắp đặt thiết bị Taara. Làng Osur là nơi ông đã trải qua những kỳ nghỉ hè thời thơ ấu của mình, cách thành phố Chennai (Ấn Độ) 3 giờ về phía nam.
Mahesh Krishnaswamy cho biết làng Osur sẽ có internet tốc độ cao lần đầu tiên vào mùa hè này. Ông nói: “Có hàng trăm ngàn ngôi làng như thế này trên khắp Ấn Độ. Tôi nóng lòng muốn xem công nghệ này có ích như thế nào để đưa tất cả những người dân ở đó trực tuyến".
Vào tháng 7.2020, Google đã cam kết đầu tư 10 tỉ USD để số hóa Ấn Độ. Google đã đầu tư 700 triệu USD để sở hữu 1,28% cổ phần của Bharti Airtel vào năm ngoái. X và Google là hai công ty chị em của Alphabet, trong khi quan hệ đối tác giữa Taara với Bharti Airtel tách biệt với khoản đầu tư của Google.
Khi được hỏi về nhược điểm của internet khi X và Taara thúc đẩy sứ mệnh kết nối phần còn lại trên thế giới, Astro Teller nói: "Tôi thừa nhận khá niệm internet là không hoàn hảo, nhưng tôi đề xuất rằng đó có thể là chủ đề của một Moonshot Factory khác để cải thiện nội dung internet".
Lý do Google khai tử dự án phủ sóng internet bằng khinh khí cầu
Loon, dự án được coi là "điên rồ" của Alphabet khi dùng hàng ngàn khinh khí cầu để cung cấp internet, bị khai tử vào năm 2021.
Theo trang Forbes, Alphabet quyết định đóng cửa Loon, bộ phận ra đời năm 2013 với mục tiêu phát triển khinh khí cầu hoạt động bằng năng lượng mặt trời và di chuyển dưới sự định hướng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Là dự án thuộc X, Loon được tách ra thành công ty riêng biệt vào năm 2018. Loon đã thử nghiệm phát internet qua khinh khí cầu tại Kenya, New Zealand và Peru. Năm 2017, Loon cũng triển khai khinh khí cầu đến Puerto Rico để cung cấp kết nối internet cho người dân sau khi cơn bão Maria tàn phá khu vực, đánh sập các tháp điện thoại di động.
Dù đạt được thành công nhất định, Alphabet không nhìn thấy ở Loon một mô hình kinh doanh bền vững.
"Dù một số đối tác sẵn sàng đồng hành suốt chặng đường, chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách hoạt động với chi phí đủ thấp để xây dựng một doanh nghiệp lâu dài và bền vững", Alastair Westgarth, Giám đốc điều hành Loon, giải thích.
Khinh khí cầu của Google kết nối với trạm tiếp nhận trên mặt đất và cung cấp internet trong phạm vi 10.000 km2, rộng gấp 200 lần so với các tháp viễn thông truyền thống. Các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho khinh khí cầu và người dùng có thể kết nối qua smartphone 4G LTE thời điểm đó. Tốc độ download đạt 19 Mb/giây, còn tốc độ upload là 4,74 Mb/giây. Độ trễ cũng rất thấp, chỉ 19 millisecond trong một thử nghiệm.
Với hệ thống định hướng máy học và AI, khinh khí cầu Loon có thể tự huấn luyện mình cách nâng lên, hạ xuống để tìm kiếm những cơn gió phù hợp, di chuyển tới nơi cần đến và giúp chúng đạt độ phủ sóng tối đa.
Theo trang Wired, vấn đề của Loon không liên quan tới công nghệ mà là lợi nhuận. Hầu hết khu vực trên thế giới có thể truy cập internet theo những cách khác nhau. Số ít còn lại hoặc không quan tâm tới việc truy cập internet qua Loon, hoặc không mua smartphone 4G LTE (cần thiết để kết nối với Loon và sử dụng internet) thời điểm đó.
Ngoài Loon, dự án khác được quan tâm là cung cấp internet tới những khu vực xa xôi trên Trái đất qua các vệ tinh Starlink của SpaceX. Tuy vậy, dự án của Elon Musk cũng gặp rào cản về chi phí và mức giá còn đắt đỏ.
Starlink là dự án triển khai một mạng lưới vệ tinh toàn cầu của SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk điều hành. Mục tiêu của Starlink là cung cấp kết nối internet nhanh chóng và đáng tin cậy cho các vùng không được phủ sóng mạng và các khu vực hẻo lánh trên toàn thế giới.
Starlink sử dụng hàng ngàn vệ tinh nhỏ đặt ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp để tạo ra một mạng lưới liên lạc không dây, cho phép truyền tải dữ liệu giữa các vệ tinh và các đầu thu nhận tín hiệu từ người dùng cuối.
SpaceX hiện có hơn 4.000 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo với lần phóng gần nhất vào cuối tháng 5. Ngày 31.5, SpaceX đã phóng thêm 52 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo.
Gói dịch vụ internet mới của Starlink cho phép sử dụng kết nối vệ tinh ở hầu hết khu vực trên thế giới với giá 200 USD mỗi tháng.
Hồi tháng 2, SpaceX cho biết bắt đầu cung cấp thử nghiệm dịch vụ Chuyển vùng toàn cầu dành cho người dùng ở những nơi chưa triển khai Starlink. Ngoài gói cước 200 USD mỗi tháng, người dùng phải mua thêm thiết bị kết nối Starlink Kit giá 599 USD.